Dành sự chăm sóc y tế cho người khác

Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện của một nhà văn về hai ông bà người Việt ở Pháp tự chống chọi với virus cách đây 1 năm. Hồi đó, Pháp bùng dịch dữ dội và cả hai ông bà, đều trên 80 tuổi, được phát hiện dương tính với Sars-Cov-2.

Con cái, người thân rất lo lắng và muốn đưa hai cụ vào viện, nhưng họ một mực từ chối. Các cụ giải thích là muốn dành sự chăm sóc y tế cho những bệnh nhân khác nguy kịch hơn. Bị người thân nài nỉ quá nhiều, hai ông bà nói một cách thẳng thắn: “Cuộc sống của chúng ta, hãy để chúng ta tự quyết định!”

Ông bà cho mấy cô giúp việc và làm vườn nghỉ ở nhà để tránh lây nhiễm. Hàng ngày hai người tự nấu ăn, rửa bát... Không một lời than trách. Không vò đầu bứt tai xem ai đã mang virus cho mình. Không bắt con cháu nào về phục vụ. Cứ như thế, trong 12 ngày, nhờ một người cháu là bác sĩ sống gần nhà thỉnh thoảng đến khám, hai bệnh nhân cao niên đã kiên cường chống chọi Covid-19. Khi con cháu gọi điện hỏi đang làm gì thì đều được trả lời là nghe nhạc, đọc sách, đi dạo... và chỉ nằm giường khi nào sốt quá cao.

Nhà văn viết, chị rất khâm phục và tự hào về ông bà, đặc biệt vào thời điểm làn sóng lây nhiễm ở Pháp đang cao trào.

{keywords}
Ảnh: Tú Anh

Một vài tuần sau đó, tôi có liên hệ với nhà văn và chị cho biết hai cụ đã hoàn toàn bình phục. Thật đáng mừng!

Tôi nhớ mãi câu chuyện trên bởi lời nói và hành động của hai cụ. Sau những lời mộc mạc và tưởng như đơn giản đó là phẩm giá, tự tin, tự tôn và trách nhiệm. Họ tin vào mình, khi bệnh không nặng họ đã chọn cách ở nhà tự chữa trị để dành bệnh viện cho những bệnh nhân khác nặng hơn.

Trong bối cảnh đại dịch lan tràn mà ai nhiễm bệnh cũng đổ xô đến bệnh viện thì chắc chắn hệ thống y tế không trụ nổi ở bất kỳ quốc gia nào.

'Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống'

Một chuyện khác tôi cũng vô cùng ấn tượng là từ GS Trương Nguyện Thành, mà nhiều người gọi một cách dân dã là “giáo sư quần đùi”.

Ông kể, đầu năm ngoái khi tự cách ly trong phòng khách sạn ở thành phố Salt Lake ở Mỹ vì nhiễm Covid-19, ông bị sốt cao và cảm thấy hơi thở ngày càng khó và cơ thể đòi hỏi hít mạnh như đang đói oxy. Ông kể lại triệu chứng: Cổ họng rất rát, những cơn sốt cao đến và kéo dài. Khi bớt sốt, ông mất sức rõ rệt và hơi thở nặng nề hơn. “Ở trong phòng một mình, cơ thể yếu đi và tôi cảm thấy lo lắng, nhưng biết rằng sợ hãi không giúp mình kháng bệnh", ông kể.

Ông tự tra cứu thông tin trên mạng về hệ thống hô hấp và phát hiện điều đáng ngạc nhiên, đó là dung tích trung bình bình thường mỗi lần hít vào thở ra của một người chỉ 500ml không khí trong khi dung lượng tối đa mà phổi có thể sử dụng cho việc hít thở là 4.600ml. Điều này có nghĩa, bình thường chúng ta chỉ sử dụng gần 10% chức năng của phổi.

{keywords}
GS Trương Nguyện Thành luôn giữ tinh thần lạc quan 

Ông vẫn nhớ tinh thần "Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống" khi đọc sách về Yoga hồi còn trẻ, vì thế, ông tập trung chăm sóc hơi thở, lắng nghe cơ thể mình khi tự cách ly. 

Từ nền tảng kiến thức về khoa học trong nhiều lĩnh vực, GS Thành bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn thể dục mind-body và dùng chính mình làm thí nghiệm.

Đến nay, GS Thành đã quay trở lại Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan tràn ở TP.HCM, ông đang tích cực phổ biến môn thể dục này đến càng nhiều người càng tốt. Chương trình của GS được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội và báo chí trong nước.

Tôi đã học thở theo những clip bài giảng của ông được hai tuần nay và cảm thấy cơ thể cũng như tinh thần khá sảng khoái sau mỗi lần tập.

Rõ ràng, trong lúc bị Covid-10 giày vò, GS đã luôn giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Hơn thế, ông đã tận dụng biến cố đó để phát triển môn thể dục thở. Tôi rất mong ông sẽ phổ biến được bài tập thở đến với nhiều người hơn. 

Tất cả phải tự chuẩn bị cho mình

Hai câu chuyện trên đây mang hơi thở tươi mới, lạc quan trong bầu không khí thấp thỏm, âu lo của biết bao người chúng ta trong dịch bệnh. Các nhân vật đều tin vào hệ miễn dịch và luôn giữ tinh thần lạc quan. Tôi nghĩ, câu chuyện của họ giúp ích cho không ít người, đặc biệt là F0, F1 đang tự cách ly tại nhà ở TP.HCM cũng như gần 90% người mang virus Sars-CoV-2 không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ.

Viết đến đây, tôi muốn nhắc lại gợi ý về “Công thức 7K+3T" của Chủ tịch Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, ông Lê Viết Hải. Trong đó, 7K bao gồm "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc".

"Công thức 7K+3T" được chắt lọc từ những thông tin do tập thể các thành viên Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế và sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia nhằm phổ biến trong nội bộ Tập đoàn và gia đình các thành viên trên tinh thần hết sức chủ động phòng chống đại dịch.

Ông cho rằng, "Công thức 7K+3T" không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm Covid-19.

Trong bối cảnh F1, F0 đã được ở nhà tự cách ly, tự điều trị, như những gì đã diễn ra ở EU, tôi nghĩ gợi ý của ông Hải rất hữu ích. Cần phổ biến tinh thần 3T đến từng người dân để họ có ý thức tự bảo vệ.

Chính quyền TP.HCM cần có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T; đồng thời có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên toàn thành phố.    

Bộ Y tế hoặc Sở Y tế TP có thể tham khảo và nhanh chóng soạn thảo, công bố các hướng dẫn thực hành 3T để phổ biến rộng rãi cho người dân trong việc sớm tự phát hiện bệnh, tự cách ly, tự chăm sóc. Cẩm nang 3T này cần thật rõ ràng, đầy đủ chi tiết nhưng dễ hiểu, dễ làm để người bệnh và gia đình cùng doanh nghiệp có thể thực hành một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

Mức độ lan tràn của dịch bệnh đang diễn ra ở TP.HCM và các tỉnh xung quanh cho thấy, không thể đưa về tình trạng Zero Covid như các làn sóng trước. Khi chấp nhận cho một phần F1, F0 cách ly và điều trị tại nhà, thì mầm bệnh đã luôn tồn tại trong cộng đồng. 

Vì lẽ đó, mỗi người dân phải được chuẩn bị tinh thần và kỹ năng chống dịch để bảo vệ mình cũng như người thân trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng này. 

Clip tổng hợp 3 phần dài 20 phút của phương pháp thể dục Mind-body KiDao do GS Trương Nguyện Thành sáng tạo 

Tư Giang 

Không để cho dân đói trong đại dịch

Không để cho dân đói trong đại dịch

Thật cảm động trước tâm niệm của Tổng bí thư khi ông nói trong dịch không cho phép có người bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch nước khẳng định: Không được để dân đói. Và Công điện của Thủ tướng nêu không để người nào thiếu ăn, thiếu mặc.