Sự bắt tay giữa Nga - Trung đã tạo ra một môi trường đầy thách thức với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Quan hệ Nga-Trung Quốc đã tăng cường đáng kể trong năm qua, thậm chí gọi là năm tốt nhất trong lịch sử. Sự gần gũi của họ ngày càng thể hiện rõ rệt trong các chính sách an ninh, kinh tế và liên kết ý thức hệ.
Các chính sách của Mỹ cho rằng, Bắc Kinh và Moscow có thể xây dựng quan hệ thành công thông qua sự kiên nhẫn và cố kết. Tuy nhiên, cần phải có sự thừa nhận lớn hơn rằng, hai nước bắt tay đã tạo ra một môi trường đầy thách thức với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 tập trung chủ yếu vào châu Phi và nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã để lộ những nhìn nhận hiện khá phổ biến tại Washington về Nga và Trung Quốc.
Ảnh: Getty Images |
Lo ngại chính của Obama là do Mỹ căng thẳng với Moscow - gần đây bởi những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina và Syria - có thể "leo thang đột nhiên tới mức vấn đề vũ khí hạt nhân được đưa trở lại các cuộc thảo luận đối ngoại". Lo lắng của ông giờ đây dường như thành lời tiên tri: Sau những bình luận của Putin và một số quan chức về việc Crimea mới sáp nhập được đặt dưới chiếc ô hạt nhân của Nga, thì mới đây, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã khẳng định quyền của Moscow trong việc triển khai vũ khí hạt nhân tại chính bản đảo Crimea.
Tương tự như vậy, Obama coi căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc là không thể tránh khỏi nhưng "có thể kiểm soát được". Ông nói, phương Tây cần "kiên định" trong nỗ lực khiến Trung Quốc tôn trọng các nguyên tắc toàn cầu hiện nay và kiềm chế hành xử gây hấn “vì họ sẽ thúc đẩy điều đó cho tới khi gặp sự đối kháng".
Tuy nhiên, Obama nói rằng, ông tin là Trung Quốc cuối cùng sẽ hiểu "những lợi ích tiềm năng trong dài hạn" của việc tôn trong các chuẩn mực hiện có. Ông còn nhấn mạnh thêm là Bắc Kinh cũng như các cường quốc đang trỗi dậy khác cần tuân thủ những quy định quốc tế.
Trong các chính sách của mình, Obama thực sự hành xử với Nga và Trung Quốc như những nước độc lập với sự khác biệt bản chất cũng như thách thức. Nga là một người chơi an ninh quyết đoán trong khu vực. Trung Quốc là cường quốc kinh tế toàn cầu đang trỗi dậy đối kháng với các chuẩn mực mà Mỹ tạo ra.
Nhưng khi Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn, họ có thể vượt qua các yếu điểm tốt hơn và bù đắp, xây dựng sức mạnh của nhau.
Ví dụ, sau vài năm thỉnh thoảng bán động cơ máy bay và một số thiết bị khác cho Trung Quốc, Nga đã nối lại việc bán các hệ thống vũ khí đầy đủ cho quân đội Trung Quốc. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Moscow 2013, ông bày tỏ mối quan tâm trong việc tậu máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, các tàu ngầm lớp Amur và hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Vượt qua sự hoài nghi về vấn đề "sao chép sở hữu trí tuệ" (Nga đối với Trung Quốc) và lo lắng của Bắc Kinh về thủ tục kiểm soát chất lượng của Moscow, các nhà đàm phán hai nước đã tuyên bố có nhiều tiến triển trong việc soạn thảo các hợp đồng mua bán cụ thể trị giá nhiều tỉ đô la.
Trong địa hạt ngoại giao, sự ủng hộ từ Bắc Kinh với các chính sách của Nga đã giúp Moscow giảm bớt mối quan tâm trong việc giải quyết những bất đồng với Washington liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria. Sự thừa nhận không chính thức của Trung Quốc trong việc Nga sáp nhập Crimea cũng khiến họ khó khăn hơn trong nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Putin tại miền đông Ukraina. Ngược lại, nhà cầm quyền Nga cũng góp phần tăng cường các khả năng hải quân của Trung Quốc, từ đó đe dọa lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Những năm gần đây cũng chứng kiến tiến triển đáng kể trong quan hệ đối tác năng lượng Nga - Trung. Các mỏ dầu khí lớn nhưng chưa phát triển mạnh của Nga kết hợp với sự khát khao năng lượng từ Trung Quốc đã khiến hai nước trở thành những đối tác năng lượng gần gụi. Nhiều thỏa thuận dầu khí gần đây của họ, hệ thống ống dẫn mới xuyên biên giới và các thỏa thuận năng lượng hạt nhân dân sự đã đảm bảo vị trí của Nga là một trong những nhà cung cấp năng lượng nước ngoài lớn nhất với Trung Quốc trong nhiều thập niên. Ở mặt sau của đối tác năng lượng này, Trung Quốc trở thành đối tác thương chính của Nga.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc thường xuyên thúc đẩy các khái niệm an ninh và kinh tế cũng như những giá trị khác biệt cơ bản với Mỹ và đồng minh phương Tây. Đặc biệt dưới thời ông Tập Cận Bình và Putin, giới lãnh đạo hai nước ngày càng chia sẻ nhiều hơn một khuôn khổ ý thức hệ về "dân chủ. Khi họ nói tới "dân chủ" là thường xuyên ứng dụng khái niệm này vòa thực tế quan hệ quốc tế, cảnh báo chống lại một thế giới đơn cực do Washington dẫn dắt; kêu gọi sự công nhận lớn hơn các lợi ích Nga và Trung Quốc cũng như tiếp nhận nhiều hơn những mô hình kinh tế-xã hội và chính trị phi phương Tây.
Cho đến nay, mối quan hệ Nga-Trung vẫn còn khá giới hạn. Những cuộc diễn tập song phương của họ không tạo lập cơ sở cho hoạt động tác chiến chung rộng lớn hơn của hai bên. Những đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc vẫn nằm ở phương Tây và mối quan tâm của Bắc Kinh trong hợp tác với Moscow có thể giảm sút khi kinh tế Nga gặp nhiều trắc trở. Chính phủ của cả hai nước khá thận trọng tìm kiếm các đối tác thương mại và năng lượng thay thế để giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau.
Song ở đây không có gì đảm bảo rằng, Nga và Trung Quốc sẽ không tiếp tục thắt chặt mối quan hệ, nhất là khi Mỹ không đối phó một cách sáng tạo hơn để ngăn chặn một mặt trận chung chống phương Tây của hai nước. Sự kết hợp của họ sẽ tạo ra thách thức lớn hơn với các lợi ích Mỹ.
Tác giả Richard Weitz là chuyên viên cao cấp tại Viện Hudson (Mỹ) và biên tập viên cao cấp của World Politics Review.
Minh Tâm (Theo World Politics Review)