Dường như công tác quản trị trường học hiện nay mới chú trọng đến các mặt học hành, thi đua chứ các vấn đề ăn ngủ, vệ sinh của học sinh thường bị coi là việc phụ.
“Nhà vệ sinh đặc biệt quan trọng với sức khỏe cộng đồng, thậm chí là với cả nhân phẩm”. Đó là lời của Bill Gate[1] khi giới thiệu chiến dịch tìm kiếm công nghệ và cách xây dựng một nhà vệ sinh tốt hơn phù hợp cho các nước đang phát triển.
Nếu nhìn vào câu chuyện nhà vệ sinh (NVS) trường học của Việt Nam hiện nay, hẳn chúng ta sẽ thấy mối quan tâm của vị tỷ phú danh tiếng kia hoàn toàn có căn cứ.
Vừa mới đầu tháng này, một bài viết trên tờ Tuổi trẻ cho hay, nhiều điểm trường tiểu học và mẫu giáo tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) không có nhà vệ sinh (NVS). Có nơi hơn 200 học sinh cấp tiểu học nhiều năm nay không có NVS để sử dụng.
Ảnh minh họa |
Con đi học mà cha mẹ run tim
Sáng nào bạn tôi cũng chở con đi học ở một trường tiểu học ngay tại TPHCM. Con cắp cái cặp nặng trĩu vào lớp rồi mà mẹ lên đường đến cơ quan mà tim run. Vừa làm nghĩ đến con, mà trong vô vàn nỗi lo là lo con đi NVS mà phải chịu nhịn vì NVS quá đông và quá bẩn.
Cô bạn tôi tâm sự: “Chỉ riêng việc dặn con đi vệ sinh sao cho an toàn là cả một vấn đề. Vì phải làm sao cho cháu không quá sợ đến nỗi nhịn không đi tiêu đi tiểu luôn. Nhưng nhiều ngày cháu vẫn nhịn đến chiều”. Cháu là bé gái nên chỉ nhìn thấy dơ quá là không dám vào, sợ trơn trượt té ngã, sợ hôi. Chưa kể nhiều ngày NVS không đủ nước dùng nên quá bẩn.
Trong khi đó, nhân viên quét dọn vệ sinh ở trường cháu thì thiếu mà nếu làm thì chỉ làm qua loa. Vì vậy chiều tới rước con, việc đầu tiên là bạn tôi phải chở con vào một quán ăn quen cho cháu đi vệ sinh rồi mới dám chở về nhà, bởi để lâu sợ con nhịn tiểu sẽ mắc bệnh.
Trước tình cảnh này, bạn tôi đã “chạy” cho con sang một trường khác. Khi chuyển học cho cháu xong, cô vui vẻ khoe: “Trường này tốt lắm cơ, vì có… NVS rất tốt”.
Cô cũng kể có những người đã làm như cô. Bởi nói chuyện NVS với trường cũng rất gian nan. Có phụ huynh im lặng vì sợ con bị trù úm, nhưng nhiều phụ huynh, trong đó có bạn tôi mất công đề nghị, nhắc nhỏm, thậm chí có cả đóng góp thêm kinh phí làm NVS cho trường mà kết quả chẳng đâu vào đâu.
Đây cũng là một phần khiến những trường học có cơ sở hạ tầng và chất lượng dạy học tốt đã đông lại càng thêm đông, sinh ra cảnh xếp hàng nộp đơn nườm nượp hàng năm.
Một số phụ huynh khác có tiền thì chuyển con sang trường tư thục hay trường quốc tế. Dù có thể các trường này dạy dỗ chưa hẳn đã hơn trường công nhưng khoản ăn ở, vệ sinh thì chắc chắn là hơn. Và ở các trường này cũng không xảy ra tình trạng yêu cầu phụ huynh đóng tiền để xây một NVS trị giá 2 tỷ như tại trường Collete, quận 3, TPHCM, trong khi đây là một trường công.
Nỗi lòng không của riêng ai
Một bài báo năm 2009 dẫn số liệu gây choáng khi ngay tại Hà Nội (gồm cả khu vực mở rộng), trên 1.000 trường học/1.255 trường học được khảo sát thiếu NVS. Ở TP. HCM, mặc dù hầu hết các trường đều có hệ thống NVS, nhưng do tỉ lệ học sinh sử dụng quá cao đã khiến NVS rơi vào tình trạng quá tải, nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.
Ngay tại các thành phố lớn còn vậy nói chi vùng sâu, vùng xa… Nguyên do vì khi xây trường, không hiểu tính toán sao mà các nhà xây dựng chỉ chú trọng đến các phòng ốc làm lớp học, phòng chức năng mà quên mất việc đầu tư bài bản cho khu vệ sinh.
Một khảo sát cách đây vài năm cho thấy, 73% trường học được điều tra có nhà vệ sinh nhưng chỉ có 11,7% số trường có nhà tiêu hợp vệ sinh. Riêng ở khu vực nông thôn, tình hình còn bi đát hơn - có tới 27% trẻ em nông thôn phải đi vệ sinh ở bên ngoài. Thiếu NVS nơi học đường là vấn nạn với trẻ em và nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh.
Dường như công tác quản trị trường học hiện nay mới chú trọng đến các mặt học hành, thi đua chứ các vấn đề ăn ngủ, vệ sinh của học sinh thường bị coi là việc phụ. Chính vì thế mà cảnh học sinh bán trú ngủ la liệt trên bàn, dưới sàn nhà, hay ăn qua quýt thiếu dưỡng chất và an toàn vệ sinh thực phẩm, NVS dơ dáy, chật chội có thể gây mất an toàn vẫn diễn ra khá thường xuyên. Đó là chưa kể việc giáo dục ý thức giữ vệ sinh chung tại các trường học cũng chưa tốt, thành thử nhiều nơi triền miên trong cảnh từ thiếu đến quá tải, từ quá tải đến… hoảng hốt vì NVS quá bẩn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM đã phát biểu trên báo rằng “Có thể khẳng định rằng NVS trong trường học không bao giờ là chuyện nhỏ vì tác động rất lớn tới ý thức cũng như sức khỏe con người. Không thể chấp nhận được chuyện không có NVS, càng không thể chấp nhận chuyện NVS chỉ “để cho có”.
Và cũng không phải vô lý khi một bài báo mới đây đã miêu tả tình trạng thiếu NVS này như một “nỗi khổ trẻ con, nỗi nhục người lớn”. Bởi lẽ người lớn chúng ta đã không thể giải quyết được một trong những nhu cầu căn bản của con người cho các em.
Tình trạng này đã được lên tiếng từ lâu, tuy nhiên, dường như vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Bộ Y tế có những chương trình thiết thực, nỗ lực cần thiết để xử lý hiệu quả chuyện nhỏ mà to này?
-----
[1] Toilets are extremely important for public health, and – when you think of it – even human dignity. (Nguồn: gatesnotes.com)