Tranh chấp thể hiện ở cả tầm quốc tế, khu vực và song phương, trên mọi lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, pháp lý và thực địa. 

{keywords}
Mỹ điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, thiết lập Liên minh quân sự Anh - Mỹ - Australia (AUKUS)

Năm 2021 báo hiệu những thách thức to lớn trong năm tiếp theo, dự báo những sự kiện, kết quả có thể đạt được do sự nỗ lực của các nước trong quá trình đấu tranh cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông.

Mỹ điều chỉnh sách lược

Năm qua đánh dấu sự chuyển giao chính quyền tại Mỹ và điều chỉnh chiến lược của Mỹ, Trung Quốc đối với nhau. Ngày 3/3, Nhà Trắng công bố Hướng dẫn tạm thời cho chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Biden. 

Có 5 điểm mới trong Hướng dẫn: Một là, nhiều thách thức, đe dọa an ninh mang tính xuyên biên giới và đòi hỏi hành động tập thể. Hai là, các nền dân chủ trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức. 

Ba là, tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi, tạo ra nhiều đe dọa. Về các nước lớn, Trung Quốc là đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo thách thức nghiêm trọng, lâu dài với hệ thống quốc tế ổn định và mở. Nga vẫn muốn tăng cường ảnh hưởng toàn cầu. Cả Trung Quốc và Nga đều đang nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ. 

Bốn là, các liên minh, thể chế, luật lệ, chuẩn mực làm rường cột cho hệ thống quốc tế đang bị thử thách. Năm là, cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra cả những thách thức và cơ hội.

Mỹ tiếp tục chính sách đối ngoại với Trung Quốc thời Donald Trump cùng một số điều chỉnh về sách lược. Mỹ thay thế cách coi Trung Quốc thời ông Trump là “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu” sang là “đối thủ cạnh tranh chiến lược gay gắt nhất”, "thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ 21".

{keywords}
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 15/11 (giờ Mỹ). Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình vào giữa tháng 11, Mỹ định hình rõ hơn cạnh tranh 2 nước: “Trách nhiệm của chúng ta trên cương vị lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là cạnh tranh thẳng thắn và phải bảo đảm rằng sự cạnh tranh giữa 2 quốc gia không dẫn đến xung đột, dù cố ý hay vô ý".

Định hướng chiến lược An ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh một số điểm bảo đảm cho sự cạnh tranh thẳng thắn này.

Đó là: Khẳng định bằng cách củng cố sức mạnh nội tại, nhất là sức mạnh của nền dân chủ, Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc; Bảo đảm rằng Mỹ chứ không phải Trung Quốc mới là nước ấn định nghị sự toàn cầu; Răn đe sự hung hăng của Trung Quốc; bảo vệ các không gian chung, trong đó có việc thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế; Cam kết ủng hộ Đài Loan song tôn trọng chính sách Một Trung Quốc; Nhấn mạnh Mỹ sẽ không hy sinh các giá trị trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và sẽ tiếp tục bảo vệ dân chủ, nhân quyền. 

Mỹ không đặt mình lên trên hết mà khôi phục quan hệ với đồng minh và mở rộng liên minh bao vây Trung Quốc, chuyển trọng tâm cạnh tranh sang các lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh và dễ thu hút được sự ủng hộ.

Chính phủ Biden không vội vàng loại bỏ chính sách thương mại của chính quyền cũ. Mỹ vẫn tiếp tục chính sách tăng thuế, giám sát chuyển giao công nghệ và trừng phạt các công ty Trung Quốc vi phạm. Mỹ điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, từ chống khủng bố sang trọng tâm hạn chế sự đi lên của Trung Quốc bằng việc rút quân khỏi Afghanistan, thiết lập Liên minh quân sự Anh - Mỹ - Australia (AUKUS). Mỹ rất muốn yêu cầu Trung Quốc tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ.

Trung Quốc thông qua Chiến lược an ninh quốc gia

Một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình, hội nghị Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/11 thông qua Chiến lược an ninh quốc gia (2021-2025). Chiến lược đánh giá Trung Quốc đang có “thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng để có thể phát huy tốt lợi thế của mình, môi trường bên ngoài về tổng thể là có lợi”.

Trung Quốc coi an ninh quốc gia trong một chiến lược tổng thể, bao gồm an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an toàn xã hội, an ninh khoa học kỹ thuật, an ninh đối nội và an ninh đối ngoại; Đặt an ninh chính trị lên vị trí hàng đầu, Lần đầu tiên coi tự lực tự cường khoa học kỹ thuật là an ninh quốc gia; Xác định quyết tâm không nhân nhượng, vạch ra các lằn ranh đỏ trong quan hệ với Mỹ và đồng minh (tuy không chỉ chính danh) như tuyệt đối không nhượng bộ các vấn đề lợi ích cốt lõi của quốc gia, danh dự của dân tộc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia.

Trung Quốc cũng chủ động đặt vấn đề “thiết lập một nền an ninh toàn cầu chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh, duy trì chiến lược toàn cầu ổn định, chung tay ứng phó với những thách thức toàn cầu và thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh”, khẳng định vị trí của đại lục trong xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ theo các tiêu chuẩn Trung Quốc, bác bỏ các tiêu chuẩn phương Tây và đưa khẩu hiệu “cộng đồng cùng chung vận mệnh” ra tầm toàn cầu chứ không còn với các nước láng giềng hay khu vực.

Các bản Chiến lược an ninh quốc gia mới của hai bên cho thấy Trung Quốc đang tự tin vươn lên vị trí cường quốc vào năm 2035 hay 2049, mong muốn xây dựng một trật tự thế giới mới theo các tiêu chuẩn của mình, bác bỏ trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây muốn duy trì.

Gió Đông đang thổi bạt gió Tây!

Cạnh tranh ngang hàng

Trung Quốc tận dụng sự hồi phục kinh tế trong khi các nước đang vật lộn với đại dịch Covid-19 để thi hành chính sách cạnh tranh ngang hàng với Mỹ. Thứ nhất, họ tin tưởng kinh tế sẽ vượt Mỹ. Năm 2017, GDP của Trung Quốc bằng 63% của Mỹ, năm 2020 con số này là 70%.

{keywords}
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tập trận chung với các tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Đông vào đầu tháng 8

Với quy mô dân số chỉ bằng 1/5, mặc dù thu nhập bình quân đầu người cao hơn, Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc bắt kịp và vượt qua tổng sản lượng kinh tế trong tương lai. Trung Quốc sẽ có điều kiện chi tiêu quốc phòng nhiều hơn. Thứ hai, Bắc Kinh tự tin đòi hỏi thay đổi trật tự quốc tế theo chiều hướng có lợi cho mình, từng bước đưa ra các tiêu chuẩn và quy định phiên bản Trung Quốc đối với luật quốc tế.

Thứ ba, sử dụng tối đa sức mạnh kinh tế của mình để lôi kéo các nước khác. Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh và sự tự tin đó thông qua ngoại giao chiến lang, ngoại giao vắc xin, chủ trì nhiều hội nghị, sáng kiến quốc tế, đưa ra các yêu cầu về “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ, đòi hỏi các nước phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tiếp tục đề xuất chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ.

Trong cuộc cạnh tranh này, các bên đều khai thác tối đa các vũ khí lợi thế của mình. Mỹ sử dụng đồng đô la và hệ thống tài chính toàn cầu, các liên minh chính trị, quân sự và cạnh tranh công nghệ làm vũ khí tiến công. Trung Quốc khai thác lợi thế thị trường rộng lớn nhất thế giới, dự trữ ngoại tệ lớn và khả năng tập trung quyền lực quyết định nhanh chóng. Bắc Kinh  thông qua sáng kiến “vành đai con đường” và xin gia nhập CPTPP để đáp trả Mỹ.

Tuy nhiên, hai nước vẫn cần đến nhau trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và ổn định để phát triển. Cạnh tranh Mỹ - Trung không phải là chiến tranh lạnh 2.0, cũng khó có thể đi đến chiến tranh nóng mà là tình trạng vừa cạnh tranh vừa hợp tác vì mục đích tranh giành địa vị thống trị thế giới trong tương lai.

{keywords}
Sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc

Quan hệ Mỹ - Trung tác động mạnh mẽ đến tình hình Biển Đông. Bản Chiến lược an ninh quốc gia mới của Trung Quốc gián tiếp xếp Biển Đông vào loại “tuyệt đối không nhượng bộ các vấn đề lợi ích cốt lõi của quốc gia và danh dự của dân tộc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia”. 

Đây sẽ là cơ sở để họ tiếp tục sự thống trị tuyệt đối của mình trên Biển Đông, loại bỏ sự can thiệp hay hiện diện của bên ngoài, sau đó là các nước liên quan.

Mỹ cũng quyết bảo vệ các giá trị của mình và đồng minh ở Biển Đông. Tuy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cao nhưng chất lượng của nền kinh tế, khoa học kỹ thuật và lực lượng quân sự vẫn chưa đủ sức vượt Mỹ. 

Mỹ đề cao trật tự dựa trên luật lệ, lên án các hành vi “sức mạnh tạo ra công lý”, lập các liên minh quân sự, tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, kéo dài thời hạn Hiệp ước về các lực lượng thăm viếng VFA - quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines; thể hiện ý muốn nâng cấp quan hệ với một số nước trong khu vực. 

* Kỳ tới: Trung Quốc khẳng định sức mạnh ở Biển Đông

Nguyễn Hồng Thao

Sự mập mờ cố tình của Trung Quốc ở Biển Đông

Sự mập mờ cố tình của Trung Quốc ở Biển Đông

Giới chức Trung Quốc ngày 29/8 cho biết sẽ yêu cầu một loạt tàu "báo cáo thông tin" khi đi qua khu vực mà họ coi là "lãnh hải" bắt đầu từ ngày 1/9.