Cuối cùng, các hãng thông tấn đồng loạt tuyên bố ông Joe Biden đắc cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Như Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) Richard Haass viết trên Twitter mới đây: “Dù kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử này như thế nào, Mỹ bị chia rẽ sâu sắc cả về chính trị và văn hóa”.

Trong sự chia rẽ ấy, chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ sẽ là vấn đề tác động rất lớn đối với thế giới, bởi Mỹ vẫn là siêu cường. Vì thế, việc xem xét dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden là một việc quan trọng.

Đảo ngược thời ông Trump

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump đã tìm cách đảo ngược các nguyên tắc chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm các liên minh, tự do thương mại và sự ủng hộ dân chủ và nhân quyền.

{keywords}
Ông Joe Biden từng là thượng nghị sĩ trong 36 năm và giữ chức Phó tổng thống trong 8 năm. Ảnh: AP

Nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi là liệu chính sách của Tổng thống Joe Biden có khác với cựu Tổng thống Barack Obama hay không.

Ông Biden được biết đến là nhân vật có tư tưởng truyền thống khi đề cập đến chính sách đối ngoại. Ông đã từng là thượng nghị sĩ trong 36 năm và giữ chức Phó tổng thống trong 8 năm. Ông quan tâm đến các vấn đề thế giới ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp và từng là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện.

Con trai của ông, Beau, phục vụ trong quân ngũ và Biden toàn tâm toàn ý chăm lo cho các vấn đề chính sách xung quanh các cuộc chiến diễn ra sau vụ 11/9, bao gồm cả việc nhiều lần đến Iraq và Afghanistan. Ông đã có vô số bài phát biểu và viết nhiều bài báo về chiến lược của Mỹ. Ông tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, trật tự quốc tế tự do, dân chủ, các liên minh, hiệp ước và biến đổi khí hậu...

Trong cuộc bầu cử năm nay, Biden thể hiện ông sẽ quay trở lại chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đã xây dựng một phe đủ lớn gồm các đảng viên Cộng hòa phản đối Trump, các nhân vật trung dung trong đảng Dân chủ (mà ông là một trong số đó), và các nhân vật có tư tưởng tiến bộ. 

Ông sẽ tìm cách đảo ngược những việc mà ông Trump đã làm: Nhanh chóng tham gia trở lại hiệp định Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, hợp tác với các nước khác trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và tiếp tục để Mỹ hỗ trợ các đồng minh. 

Vấn đề Trung Quốc

Cách tiếp cận của Mỹ dưới thời kỳ ông Biden sẽ như thế nào đối với Trung Quốc là vấn đề gây chú ý nhiều nhất. 

Năm 2018, Kurt Campbell, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong chính quyền Obama, và Ely Ratner, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Biden trong nhiệm kỳ thứ hai của Obama, đã đăng bài viết trên tờ Foreign Affairs lập luận rằng một số giả định then chốt vốn là nền tảng cho chính sách đối với Trung Quốc trong các đời chính phủ Mỹ liên tiếp - ví dụ, can dự thương mại với Trung Quốc sẽ dẫn đến tự do hóa kinh tế và Trung Quốc sẽ trở thành một bên liên quan có trách nhiệm trong trật tự quốc tế - đã sai.

{keywords}
Ông Biden và vợ

Một năm sau, Campbell là đồng tác giả của một bài viết khác, lần này cùng với Jake Sullivan, người từng giữ một số vị trí cấp cao trong chính quyền Obama, với nội dung về việc làm sao để Mỹ có thể thực hiện cách tiếp cận cạnh tranh hơn với Trung Quốc trong khi tránh đối đầu. 

Những người theo xu hướng tiến bộ muốn Mỹ áp dụng một chiến lược cạnh tranh hơn nhiều so với thời chính quyền Obama, nhưng họ bận tâm với câu hỏi làm thế nào để kết hợp giữa cạnh tranh và ngoại giao để cạnh tranh không biến thành đối đầu và xung đột, và do đó, vẫn có khả năng hợp tác vì một số lợi ích chung.

Những người có xu hướng cải cách quan ngại rằng Mỹ đang tụt hậu về công nghệ và kinh tế và cho rằng Mỹ cần có những thay đổi lớn trong chính sách để trở lại vị trí dẫn đầu. Họ muốn coi cạnh tranh với Trung Quốc là trọng tâm của các liên minh của Mỹ, bao gồm cả liên minh xuyên Đại Tây Dương và nhìn chung họ sẵn sàng sử dụng thách thức Trung Quốc để vận động cho những thay đổi chính sách trong nước. 

Họ sẵn sàng đón nhận khả năng tách rời một phần Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ và chuỗi cung ứng cho các nguồn cung y tế quan trọng và các bộ phận khác có tầm quan trọng chiến lược của nền kinh tế.

Ngược lại, những người có tư tưởng phục hưng có xu hướng ít bi quan hơn về những thay đổi trong việc phân chia quyền lực và phản đối việc sử dụng mối đe dọa Trung Quốc để huy động sự ủng hộ chính trị cho những thay đổi trong nước. Họ hoài nghi về bất kỳ sự tách rời nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ không cho rằng do thiếu kinh nghiệm nên Obama đã hiểu sai về Trung Quốc - như họ thấy, ông đã đứng lên và cạnh tranh với Trung Quốc.

Chính sách kinh tế đối ngoại

Trong một bài viết đầu năm 2020, Jake Sullivan, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Biden và Jennifer Harris, cựu quan chức thời chính quyền Obama, đã đưa ra những lối tư duy mới về kinh tế và thương mại toàn cầu. Họ nói rằng các nhà lý luận kinh tế trong nước có tư tưởng ôn hòa đang cân nhắc những ý kiến cho rằng chủ nghĩa tự do mới là sai lầm trong thập kỷ qua.

Giới chính sách đối ngoại cũng cần làm điều tương tự. Sullivan và Harris lập luận ủng hộ cải cách các thỏa thuận thương mại nhằm có được các thiên đường thuế, ngăn chặn thao túng tiền tệ, cải thiện tiền lương và tạo ra đầu tư ở Mỹ. Chính sách công nghiệp nên được sử dụng để cạnh tranh với Trung Quốc, đặc biệt là về các công nghệ mới, và chính sách đối ngoại nên là một nội dung trong cuộc tranh luận chống độc quyền về việc phá vỡ các công ty công nghệ lớn.

Nghị trình của Sullivan-Harris nhìn chung phù hợp với tư duy của phe tiến bộ trong đảng Dân chủ, trong đó các chuyên gia như Ganesh Sitaraman, cố vấn cho Elizabeth Warren, nhận định chính sách đối ngoại của Mỹ nên cân nhắc nghiêm túc hơn về địa kinh tế. 

Các nhân vật tiến bộ lập luận rằng chủ nghĩa chuyên chế phát triển mạnh nhờ tham nhũng, chế độ đầu sỏ chính trị, chế độ độc tài, và nó gây ra mối đe dọa cho nền dân chủ từ bên trong cũng như bên ngoài. Để chống lại chủ nghĩa chuyên chế, Mỹ phải loại bỏ tận gốc tham nhũng và cải cách nền kinh tế toàn cầu, bao gồm xóa bỏ các thiên đường thuế, điều tiết tài chính toàn cầu và giải quyết tình trạng bất bình đẳng.

Các nhà cải cách cũng sẵn sàng sử dụng thách thức Trung Quốc, điều mà họ tin là có thật và là một thách thức khó khăn, để huy động sự ủng hộ cho một nghị trình kinh tế đầy tham vọng ở trong nước và quốc tế. Họ coi Trung Quốc là chất kết dính có thể gắn kết một liên minh cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong đầu tư và hợp tác kinh tế, cũng như sự phối hợp giữa các nền dân chủ…

Các nhân vật có tư tưởng phục hưng có xu hướng ủng hộ việc tái tham gia các thỏa thuận thương mại tự do, như hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, họ không muốn dùng việc đáp trả Trung Quốc làm nguyên tắc tổ chức chính sách và là những người chủ trương tăng cường cải cách tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.

Nói chung, chiến thắng của Biden sẽ được chào đón rộng rãi, dù không phải là tất cả, vì các đồng minh dân chủ của Mỹ sẽ lại thấy Mỹ đóng vai trò truyền thống của nước này. Tuy nhiên, họ cũng sẽ đánh giá rằng chủ nghĩa Trump có thể quay trở lại trong cuộc bầu cử năm 2024, trừ khi vị tổng thống này bị thất bại với đa số áp đảo.

Thách thức đối với Biden sẽ là liệu ông có thể tận dụng triệt để nhiệm kỳ tổng thống để tạo chỗ đứng vững chắc cho vai trò lãnh đạo lâu dài hơn của Mỹ ở cả trong nước lẫn trên thế giới hay không. Nếu không, chiến thắng của ông có thể chỉ nhằm thi hành mệnh lệnh của trật tự thời hậu chiến mà thôi.

Việt Hoàng

Con đường chông gai chờ đợi tân Tổng thống Mỹ

Con đường chông gai chờ đợi tân Tổng thống Mỹ

Bất kỳ vị tổng thống nào lên cũng sẽ có 2 thách thức lớn. Đó là xử lý bài toán giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thứ hai là làm sao khép lại sự phân hóa, tăng cường đoàn kết trong lòng nước Mỹ.