Rất phản cảm

Hình ảnh phao xốp nổi lềnh bềnh, trôi dạt trên vịnh Hạ Long được một du khách chia sẻ đầu tháng 4 khiến nhiều người lo lắng, ái ngại. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, còn cảm thấy xấu hổ với khách quốc tế.

Là doanh nghiệp có du thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), ông Hà chứng kiến nhiều thời điểm, nhất là từ tháng 1-3 hàng năm, trên các vùng biển này mênh mông là rác, là bè nổi, phao xốp, hộp nhựa, chai lọ, túi nilon,... Rác từ đầu nguồn, từ các bè nuôi cá lồng, từ người đi biển,... thải ra.

Rác thải trôi lềnh bềnh trên vịnh Hạ Long (Ảnh: NVCC)

Ông cho biết, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền là những công ty có trách nhiệm, chủ động giảm thiểu rác thải ra môi trường và tham gia các hoạt động thu gom, vớt rác, làm sạch đường bộ. Định kỳ hàng tháng, nhân sự các tàu chèo thuyền đi vớt, nhưng có thời điểm rác quá nhiều nên làm không xuể. 

“Nhưng, rác gom rồi cần được xử lý, nếu không mưa to gió lớn lại trôi xuống biển. Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi các thuyền triển khai vớt rác được 2-3 lần nhưng sau đó phải dừng vì không đủ kinh phí, nhân sự”, ông nói.

Vị CEO của Lux Group cho rằng, trong khi các đơn vị kinh doanh, du khách ngày càng có trách nhiệm với môi trường thì việc quản lý điểm đến còn yếu kém. Như Hạ Long, tình trạng ô nhiễm rác thải đến từ các lồng bè nuôi cá, khi thay phao phá bè, thay vì thu gom ngư dân lại thả ra biển, rất phản cảm. Do đó, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. 

Bản thân các điểm đến, các bên tham gia kinh doanh du lịch và người dân địa phương cũng chưa ý thức được lợi ích từ việc thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Vấn đề này được đưa ra bàn luận tại Tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” ngày 13/4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023.

Vớt rác trên vịnh Lan Hạ (Ảnh: P. Hà)

Đến từ Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình), Giàng A La cho rằng, việc phát triển du lịch quá nhanh trong khi ý thức về bảo vệ môi trường kém, đặc biệt là khi không thấy lợi ích từ làm du lịch, thì họ kệ. "Nếu chỉ hô hào mọi người hãy bảo vệ môi trường thì không ai quan tâm. Khi thấy lợi ích của mình trong đó, họ sẽ tự giác làm", Giàng A La nói.

Do đó, cô đã kêu gọi mỗi hộ gia đình trong bản hãy tạo ra một sản phẩm du lịch, để cùng phát triển kinh tế địa phương.

Hay Hướng, dân tộc Ráy, một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách tham gia tour trải nghiệm tại Sa Pa, kể rằng, những hộ ở bản không làm homestay, không làm du lịch dù thấy rất nhiều rác trên đường, họ cũng không nhặt. Hoặc họ gom rác trong nhà rồi tự đốt, vẫn gây ô nhiễm. Kể cả hướng dẫn viên, dù đã được tuyên truyền, nhưng không phải ai cũng tham gia.

Người làm du lịch cần tiên phong 

Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, đại diện nhóm làm việc về Quản lý rác thải tại nguồn tại Hội An (Quảng Nam), nhấn mạnh, việc giảm thải rác cần tiếp cận trên một hệ thống các giải pháp, từ người tiêu dùng có lối sống có trách nhiệm đến việc quản lý và xử rác thải tại nguồn. Kinh nghiệm tại Hội An là một bài học quý. 

Bà Hạnh cho biết, tháng 3/2021, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND TP. Hội An ban hành Kế hoạch hành động đến năm 2023 áp dụng các DN du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa, góp phần xây dựng “Hội An - Điểm đến xanh”. Trong đó, kêu gọi các DN, người dân tự nguyện tham gia, cùng triển khai.

Tới hết năm 2022, hơn 50 cơ sở du lịch, với nhiều quy mô khác nhau, từ lớn như The Nam Hai Four Seasons đếnnhỏ như các cơ sở tư nhân, các gia đình, đã cam kết đồng hành. Một hệ sinh thái tái chế dần được hình thành và phát triển tại Hội An, với những điểm đến Không rác thải.

Rác có thể tái chế được Hội An phân loại, bán cho đội ngũ ve chai (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Việc từ chối các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Tới nay, tại Hội An có 27 cơ sở kinh doanh như quán cà phê, villa homestay, nhà hàng,... đong đầy các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước lau sàn, giấm tẩy rửa... ) và tái sử dụng nhiều chai lọ - giảm bớt tiêu thụ mới. 

Nhờ thay thế túi nilon bọc thùng rác bằng giấy báo, khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa ước tính đã cắt giảm hoàn toàn 3,5 tấn nhựa/năm. Hay việc từ chối chai nước nhựa, thay bằng chai thuỷ tinh và bình lọc để khách tự rót, Silk Sense Hoi An River Resort đã giảm được việc sử dụng 20.000 chai nhựa dùng một lần sau 1 năm rưỡi.

Du khách cũng tham gia trải nghiệm, học tập, giao lưu, trở thành một phần của du lịch bền vững.

Mô hình thu gom, xử lý rác tại Hội An và Gia Viễn (Ninh Bình), theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nên được nhân rộng. Bởi, du lịch xanh cần được coi là điểm mạnh của một điểm đến, như Hội An người nước ngoài lưu trú rất lâu, đặc biệt là khách Tây Âu.

Ông lưu ý, nếu chỉ kêu gọi chính quyền, các tổ chức ủng hộ nhưng bản thân chúng ta không làm thì ai ủng hộ. Do đó, chính các doanh nghiệp, những người làm du lịch phải tiên phong trong việc giảm rác thải nhựa và cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn.