- EVN chỉ được hạch toán vào giá điện các khoản chi phí xây nhà khách cho chuyên gia, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện - Bộ Công Thương khẳng định khi báo cáo Thanh tra Chính phủ về việc khắc phục các sai sót ở EVN.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản - được ban hành từ tháng 9/2013.

Theo kết luận thanh tra tại thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý tài chính ở EVN với tổng số tiền 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, phát hiện gây nóng dư luận nhất là việc EVN đầu tư tới 595 tỷ đồng hạng mục khu nhà quản lý vận hành sửa chữa điện ở 6 nhà máy điện. Trong đó, một số hạng mục được cho là không đúng quy định, không minh bạch nếu được cân đối vào giá thành sản xuất điện, như các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng có nhà trẻ, bể bơi, sân tennis,...

{keywords} 

Sau 2 năm thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Công Thương khẳng định đã cùng Bộ Tài chính lập phương án xử lý về các khoản chí phí xây dựng các công trình trên trong cân đối vào giá thành điện.

Cụ thể, với những công trình mang tính phúc lợi xã hội hoặc xây để cho cán bộ công nhân viên thuê như biệt thự, chung cư, nhà liền kề, nhà trẻ, sân tennis,... EVN không được tính vào giá thành sản xuất điện. Các hạng mục phúc lợi xã hội phải được đầu tư bằng vốn của Quỹ phúc lợi xã hội tại tập đoàn và hạch toán riêng về nguồn đầu tư.

EVN cũng phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư. Các chi phí dịch vụ quản lý, bảo dưỡng các công trình này EVN phải hạch toán riêng.

Còn lại, chỉ những công trình nhà ở đặc thù cần thiết trong các công trình nhà máy điện như nhà khách cho chuyên gia ở, nhà cho cán bộ công nhân nhà máy điện, khu nhà quản lý và vận hành sửa chữa ở thì sẽ hạch toán vào giá thành điện. Nếu EVN thu tiền thuê nhà của ngườii lao động ở trường hợp này thì sẽ phải đưa vào để giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Ngoài ra, năm 2011, EVN nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 9.650 tỷ đồng đến nay đã trả được 6.650 tỷ nợ gốc, chỉ còn 3.000 tỷ nợ gốc sẽ phải trả trong năm 2015. Toàn bộ số lãi vay của khoản nợ này sẽ được EVN tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Phạm Huyền