Theo thống kê của Data Report, tại Việt Nam hiện có khoảng 63 triệu người sử dụng YouTube, 66 triệu người sử dụng Facebook và khoảng 50 triệu người sử dụng TikTok.

Sự phát triển của các loại hình mạng xã hội thời gian qua đã khiến việc lan truyền các thông tin giả trở nên dễ dàng. 

Chia sẻ về vấn nạn này tại hội nghị tập huấn về truyền thông chính sách, ông Hoàng Anh Văn - đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay, tin giả là thông tin sai sự thật, được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem. 

Tin giả còn bao gồm những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất vụ việc. 

Về hình thức, tin giả thường được thể hiện dưới dạng phát ngôn thù địch, bịa đặt, bôi nhọ, kích động, xúc phạm và quấy rối, chủ yếu nhằm phục vụ mục đích chính trị hoặc tài chính.

Hậu quả của vấn nạn này khiến dư luận bị thao túng, gây ra sự lo lắng, sợ hãi, bất hòa trong công chúng và làm xói mòn niềm tin vào các nguồn tin chính thống. 

trung tam xu ly tin gia.jpg
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục PTTH&TTĐT) đã công bố hơn 100 tin giả, yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 543 tin giả, tin xấu độc, chặn gỡ 725 tên miền cờ bạc.

Để “nhìn thấy” không gian mạng, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin).

Trung tâm này có khả năng giám sát 300 triệu tin/ngày. Hoạt động trên cũng đã được đóng gói mô hình để chuyển giao tới một số địa phương. 

Bộ TT&TT còn phát triển các công cụ giúp nắm bắt dư luận, phát hiện các thông tin xấu độc bằng từ khóa. Bộ đang nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ phát triển công cụ rà quét hình ảnh và video. 

Song song đó, Bộ TT&TT đã tiến hành lập danh sách các tài khoản, kênh, trang mục tiêu cần theo dõi, giám sát. Đồng thời, bố trí nhân sự theo dõi liên tục các tài khoản mục tiêu và phối hợp nhiều lực lượng cùng tham gia rà quét. 

Theo Cục PTTH&TTĐT, các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, muốn quản lý tốt không gian mạng, cần phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Để làm được điều này, Bộ TT&TT đã triển khai cách làm mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh bằng pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật. 

Về pháp lý, các nền tảng xuyên biên giới được yêu cầu phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung, quảng cáo, đóng thuế.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng thu thập bằng chứng vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới, cung cấp cho báo chí để truyền thông liên tục gây sức ép.

Đối với biện pháp đấu tranh bằng kinh tế, cơ quan chức năng đã ngăn chặn dòng tiền quảng cáo trong nước chảy vào những mạng xã hội xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật, hoặc những trang, kênh phản động, vi phạm pháp luật.

Về kỹ thuật, nếu các nền tảng không tuân thủ pháp luật Việt Nam, cơ quan quản lý không loại trừ việc có biện pháp hạn chế băng thông, đường truyền, máy chủ.

quang cao nha toi 3 doi.jpg
Quảng cáo "nhà tôi 3 đời..." chứa nhiều thông tin không đúng sự thật từng có thời xuất hiện liên tục trên YouTube.

Nhờ cách làm làm này, việc đấu tranh về nội dung với các nền tảng xuyên biên giới đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu như trước thời điểm năm 2017, các nền tảng không hợp tác với Việt Nam thì đến nay, các mạng xã hội đã thực hiện yêu cầu chặn, gỡ tài khoản, kênh vi phạm. 

Theo Cục PTTH&TTĐT, tỷ lệ đáp ứng của các nền tảng xuyên biên giới đã lên tới hơn 90%. Số lượng tin giả, tin xấu độc bị chặn gỡ lên tới 700 link mỗi tuần. 

Từ năm 2018 đến nay, Facebook đã gỡ 15.691 bài viết xuyên tạc, 48 group tung tin giả, thông tin xuyên tạc, hoặc gây ảnh hưởng tới trẻ em. 353 tài khoản giả mạo, tung tin giả cũng bị chặn gỡ. 

Trong 5 năm qua, mạng xã hội YouTube đã chặn gỡ 33 kênh với hơn 83.000 video vi phạm. Không chỉ vậy, khoảng 2.000 quảng cáo vi phạm về thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh đã bị gỡ bỏ, trong đó có không ít các quảng cáo phản cảm, với nội dung dạng “nhà tôi 3 đời…”.

Với TikTok, kể từ năm 2020 đến nay, nền tảng này đã gỡ 1.906 link, 149 tài khoản và chủ động ngăn chặn 3.568 video vi phạm.