Chuyện ba người đầu tiên bị xử phạt 6 triệu đồng vì hành vi “tè bậy” là câu chuyện không hề nhỏ. Nhiều người có thể đổ lỗi cho hạ tầng yếu, thiếu nhưng lý do đó không bao giờ thuyết phục trước đòi hỏi của văn minh, và giờ đây là luật pháp.
Vấn đề môi trường đi kèm với văn minh đô thị vốn là vấn nạn ở các thành phố trên toàn quốc, đặc biệt là ở Hà Nội. Mặc dù là thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị, nhưng chính câu chuyện “phóng uế nơi công cộng” lại trở nên đáng báo động.
Không cần đi đâu xa, chỉ cần đến phố Phùng Hưng giao với Đường Thành – Cửa Đông có một vườn hoa tam giác có từ thời Pháp thuộc, trên đó tọa lạc một trạm biến thế. Cả mấy mặt tường của trạm là bấy nhiêu “nhà vệ sinh thiên nhiên,” được sử dụng “hiệu quả” đến mức nước tiểu chảy… thành dòng xuống cống.
Bên kia đường, trên hè phố Phùng Hưng dưới chân đường tàu hỏa trên cao là bãi đỗ xe có thu phí, tình trạng cũng tương tự. Đáng chú ý là ngay trên vỉa hè này có một nhà vệ sinh công cộng có thu phí.
Việc hành vi “tè bậy, ị bậy” ngoài đường sẽ bị phạt nặng chắc chắn sẽ làm dấy lên trong dư luận những bàn cãi, và cũng chắc chắn sẽ đặt ra cho xã hội và các cơ quan chức năng nhiều câu hỏi…
Đó là những người lao động thường xuyên “đánh bóng mặt đường,” như mới đây ba lái xe taxi bị Công an quận Hoàng Mai xử phạt mỗi người 2 triệu đồng vì hành vi “tè bậy.” Các bác xe ôm, bán hàng rong, thu mua phế liệu… và thậm chí ngày nay xung vào đội ngũ có thêm cả các shipper đều có thể là những “đối tượng tiềm tàng” bị xử phạt.
Chúng ta có thể loại ra những đoàn du khách nước ngoài. Bạn tôi làm công ty du lịch kể, hướng dẫn viên bây giờ phải thuộc nằm lòng những điểm có thể đưa khách đi… vệ sinh, đặc biệt là ở khu phố cổ. Để bảo vệ
uy tín công ty, những khoản phí vệ sinh này hướng dẫn viên lặng lẽ trả tiền về công ty thanh toán. Hiện nay ngành du lịch đang trong tình trạng cạnh tranh khá khốc liệt, việc lo liệu đến cả vấn đề vệ sinh cho du khách ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đã được đưa vào “chương trình hành động.”
Cảnh tượng không khó gặp ở... Hà Nội. Ảnh VietnamNet. |
Khách du lịch vãng lai đến Hà Nội mà loanh quanh hồ Hoàn Kiếm, thông thạo một chút thì khỏi lo, vì quanh hồ có vài nhà vệ sinh công cộng miễn phí. Nhưng chỉ cần đi khỏi bán kính quanh hồ vài trăm mét nữa thôi là… hết miễn phí, và thậm chí tìm được chỗ mà “giải quyết nỗi buồn” cũng khó.
Ngay bản thân chúng ta hôm nào phải đi ngoài đường nhiều mà sơ ý cũng khốn khổ, cố chạy về đến nhà thì không biết kịp không nữa.
Theo Luật xử phạt hành chính năm 2012, việc xử phạt hành chính có thể thuộc thẩm quyền của nhiều người, và thông thường thì những lĩnh vực thuộc hoặc gần gũi với trị an và nếp sống công cộng như thế này sẽ được giao cho cơ quan công an, từ cấp phường xã trở lên.
Đến đây sẽ nổi lên câu hỏi, rằng làm như thế nào phạt được hết vì “đặc thù” của hành vi vi phạm là diễn ra rất nhanh, người vi phạm cũng thường phải tìm nơi khuất nẻo ít người qua lại để “hành sự,” đồng thời “tang chứng” thì cũng khó chứng minh được ai là “tác giả”. Có những đoạn đường to nhưng còn vắng vẻ thì có thể có camera để phạt nguội,
Nhưng không nhẽ sẽ phải đầu tư thật nhiều camera lắp ở những nơi khuất nẻo, heo hút đó chỉ để phục kích… người tè bậy?
Tư duy bao quát hơn
Theo thiển ý của người viết, phạt là cần thiết nhưng cần làm thật nghiêm túc, kiên trì để khắc phục tình trạng bấy lâu nay Việt Nam vẫn mắc, là luật ra rồi nhưng không thực hiện được bao nhiêu, hoặc “đánh trống, bỏ dùi”. Một đất nước đang phát triển, một thủ đô hòa bình thật khó chấp nhận tình trạng chỗ này, chỗ kia còn những vũng nước tiểu, nhưng hành vi cực kỳ phản cảm đối với bất kỳ ai.
Cũng không thể không chắc đến việc bên cạnh việc xử phạt nghiêm minh, cần phải đầu tư cho hạ tầng nhanh chóng và phải bỏ tư duy phải thu phí nhà vệ sinh. Một trường hợp xử phạt được đủ trả tiền cho 3.000 người đi tiểu tiện (với mức thu 1.000/lần) kia mà? Hãy nhìn ra xung quanh, như Singapore nhà vệ sinh khắp nơi và hoàn toàn miễn phí, đương nhiên mức phạt cho “tiểu đường” thuộc hàng khủng. Nam Ninh, một thành phố của Trung Quốc gần chúng ta nhất cũng miễn phí, đôi chỗ chỉ phải trả tiền mua giấy vệ sinh…
Ở phạm vi xa hơn, cần phải nghĩ đến một thành phố tương lai hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân – còn nhiều xe máy, ô tô cá nhân thì còn khó phát huy tác dụng của nhà vệ sinh công cộng. Đi “tè được một bãi” mà mất cái xe máy hoặc chí ít, 5.000 đồng gửi xe là việc chẳng ai muốn cả.
Để có được một môi trường sạch sẽ, không chỉ là việc phạt thật nặng – mà cần những tư duy lớn, bao quát hơn, và các quy định phải được đặt trong một tổng thể chiến lược.
Còn mỗi người dân cũng phải rèn luyện ý thức và chấp hành quy định bảo vệ môi trường sạch đẹp. Có trăm, ngàn nhà vệ sinh mà ai cũng cố thủ “sở thích tiểu đường” thì cũng vô ích. Ngày hôm nay chúng ta không làm việc nhỏ, sẽ chẳng bao giờ toàn xã hội đạt được những điều gì lớn hơn…