Tên lửa đất đối không (SAM) được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột Nga – Ukraine để tấn công máy bay, và bảo vệ các thành phố khỏi những đợt tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa. Sự kết hợp giữa các vũ khí phòng không có từ thời Liên Xô cũ và của phương Tây đã giúp Ukraine ngăn chặn đòn tấn công của không quân Nga. 

Hiện tại, Nga và Ukraine còn biến đổi các SAM phục vụ những mục đích ngoài dự kiến như làm vũ khí tấn công đất đối đất.

Hệ thống S-400 của Nga khai hỏa tại trường huấn luyện Kapustin Yar ở Astrakhan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Theo tờ Business Insider, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, các lực lượng Kiev đã dùng SAM có từ thời Liên Xô cũ như Buk và S-300 để đối phó với máy bay, UAV và tên lửa của Nga. Điều này khiến Ukraine nhanh chóng bị cạn kiệt phần lớn kho SAM từ thời Liên Xô cũ. Hiện Ukraine bị phụ thuộc vào Mỹ và các đối tác NATO về khả năng phòng không như NASAMS, Patriot và các máy bay đánh chặn.

Trong khi đó, quân đội Nga không chỉ được trang bị các hệ thống S-300, mà cả S-400 tầm xa đắt tiền và hiện đại hơn với khả năng nhắm bắn nhiều loại mục tiêu từ máy bay, UAV, tên lửa hành trình, cho tới tên lửa đạn đạo.

Đòn tấn công từ S-200 của Ukraine 

Hôm 20/8, bản báo cáo cập nhật của tình báo Anh cho biết ngày càng có nhiều thông tin về việc tên lửa SAM của Ukraine tấn công các mục tiêu trên bộ nằm trong lãnh thổ Nga kiểm soát. Nói cách khác, Ukraine được cho đã biến SAM S-200 thành “tên lửa đạn đạo tấn công mặt đất”.

Hãng thông tấn Tass cũng từng đưa tin Nga đã đánh chặn tên lửa S-200 nhằm vào bán đảo Crưm. Còn vào tháng Bảy, một video đăng lên mạng xã hội cho thấy Ukraine đã sử dụng S-200 để tấn công một nhà xưởng ở Nga. 

Trên thực tế, Ukraine đã dừng sử dụng S-200 hơn 10 năm trước, nhưng vẫn lưu kho và thỉnh thoảng thảo luận về khả năng tái sử dụng trước thời điểm xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. S-200 được phát triển vào thập niên 60 nên tương đối lỗi thời so với những hệ thống phòng thủ hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa chúng không có giá trị dùng để tấn công. 

Một lý do khiến Ukraine sử dụng S-200 có thể là do tầm bắn và tính sẵn có của các hệ thống này. Trong khi đó, những vũ khí tầm xa như tên lửa Storm Shadow được các nước phương Tây cung cấp đều đi kèm điều kiện sử dụng đối với Kiev. Cụ thể, Mỹ và các đồng minh không khuyến khích Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Với S-200, Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga, mà không vi phạm bất kỳ lời hứa nào với các nước đồng minh.

Hệ thống S-200 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự của Không quân Ukraine ở Vinnytsia. Ảnh: Wikimedia Commons

Nga dùng tên lửa diệt tàu sân bay để tấn công mặt đất

Nga cũng được cho tấn công các mục tiêu trên bộ và đối phó với Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Ukraine bằng SAM. 

Hồi đầu năm nay, Ukraine cho hay Nga đã tăng cường sử dụng tên lửa S-400 và S-300 để tấn công mặt đất, do kho dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác của Moscow bị cạn kiệt. Hoạt động không kích liên tục vào Ukraine khiến Nga phải dựa vào các tên lửa vốn dành cho những nhiệm vụ khác như SAM và đạn lảng vảng.

Ngoài ra, Nga còn chuyển sang sử dụng các loại vũ khí như UAV tấn công một chiều, và tên lửa chống hạm Kh-22 để tấn công trên bộ. Tên lửa tầm xa Kh-22 có từ thời Liên Xô cũ được thiết kế để tấn công các tàu sân bay, nhưng chúng lại đang được Nga thường xuyên dùng để nhằm vào các mục tiêu trên bộ ở Ukraine, mà gần đây nhất là vụ tấn công thành phố cảng Odessa vào tháng Bảy. 

Theo Business Insider, việc sử dụng các loại vũ khí phi truyền thống như SAM để tấn công cho thấy nỗ lực của cả Nga và Ukraine trong việc đánh bại đối phương bằng bất cứ vũ khí nào có sẵn.