CNBC dẫn lời các quan chức giấu tên tiết lộ, ông Zelensky đã khiến những người Mỹ ủng hộ ông tức giận khi phớt lờ khuyến nghị của họ và đưa ra những yêu cầu ngày càng lớn hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania ngày 12/7. Ảnh: AP 

Cụ thể, ông Zelensky đã có phát biểu đả kích các lãnh đạo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước hội nghị thượng đỉnh của khối ở Lithuania vào tháng trước, khẳng định việc liên minh quân sự này không đưa ra mốc thời gian kết nạp Ukraine là điều “chưa từng có và vô lý”.

“Sự bộc phát của ông ấy không thực sự gây được tiếng vang lớn ở Washington. Chính quyền Mỹ đã rất khó chịu”, một nguồn tin ẩn danh nói.

Sự cố từng khiến Kiev vấp phải sự chỉ trích từ Anh cũng như khiến Mỹ "tức giận" đến mức cân nhắc rút lại ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, theo tờ Washington Post.

Nguồn thạo tin khẳng định với CNBC rằng, “Washington đã khuyên Chính phủ Ukraine không nên làm một số việc, nhưng Kiev vẫn thực hiện chúng, phớt lờ hoặc không giải quyết các mối quan ngại của Mỹ”.

Chuyên gia phân tích tình báo quân sự Konrad Muzyka cho biết thêm, các cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng giữa ông Zelensky và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo ông Muzyka, bất chấp cảnh báo của Washington về việc quân Ukraine “không nên tham gia một số trận chiến theo cách người Nga mong muốn”, người đứng đầu Kiev đã cố giữ Bakhmut dù thương vong ngày càng gia tăng và hao tổn đạn dược ngày càng lớn trước khi lực lượng Wagner của Nga tuyên bố giành kiểm soát thành phố vào tháng 5.

Ông Muzyka tin, quyết định trên đã dẫn đến tổn thất lâu dài về nhân lực và lãng phí đạn pháo có thể dùng cho chiến dịch phản công về sau của Kiev.