Các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Pháp đã mở cửa lúc 8h sáng 24/4 theo giờ địa phương (13h giờ Việt Nam) và dự kiến sẽ đóng cửa chậm nhất vào 20h cùng ngày (1h sáng 25/4 giờ Việt Nam). Trước đó, hôm 23/4, các công dân Pháp đang sinh sống và làm việc tại những vùng lãnh thổ hải ngoại hoặc ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu sớm.
Theo thông lệ, kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố ngay trong tối 24/4 (giờ địa phương).
Bộ Nội vụ Pháp thống kê, tính đến giữa trưa 24/4, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống vòng 2 là 26,41%, cao hơn tỉ lệ đi bỏ phiếu vòng 1 (25,48%), nhưng thấp hơn so với mức 28,23% ở cùng thời điểm tổ chức bầu cử tổng thống vòng 2 năm 2017.
Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong ngày được ghi nhận ở khu vực Gers, tây nam Pháp và vùng Jura ở miền đông. Nơi có tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp nhất được ghi nhận ở thủ đô Paris và khu vực Seine-Saint-Denis, phía bắc thủ đô.
Trong vòng bỏ phiếu quyết định này, cử tri sẽ lựa chọn một trong hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất ở vòng 1 là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện đảng Tập hợp quốc gia Marine Le Pen vào vị trí lãnh đạo chính phủ Pháp trong 5 năm tới. Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra ngày 10/4, ông Macron giành được 27,85% phiếu ủng hộ, dẫn trước sít sao trước đối thủ Le Pen với 23,15%.
Theo báo Guardian, ông Macron thực hiện nghĩa vụ cử tri ở Le Touquet, một thị trấn ven biển ở miền bắc nước Pháp, nơi vợ chồng ông sở hữu một ngôi nhà. Tổng thống đã bắt tay, ôm hôn trẻ em, ký tặng và chụp ảnh với những người ủng hộ trong hơn 20 phút trước khi bước vào phòng bỏ phiếu.
Bà Le Pen đã đi bỏ phiếu tại Hénin-Beaumont, một thành trì ủng hộ bà ở miền bắc Pháp ngay sau 11h giờ địa phương. Một đám đông ủng hộ đã tụ tập bên ngoài điểm bỏ phiếu chào đón và xin chụp ảnh lưu niệm với bà.
Bất kể kết quả bầu cử ra sao, ông Macron cũng sẽ tổ chức sự kiện đêm bầu cử gần chân tháp Eiffel ở Champ-de-Mars. Trong khi, sự kiện riêng rẽ của bà Le Pen sẽ diễn ra tại Bois de Boulogne.
Trong cuộc tái đấu với nữ đối thủ cực hữu năm nay, đương kim Tổng thống Macron được đánh giá nhiều khả năng thắng lần nữa, do các cuộc thăm dò dự dư luận đều cho thấy ông đang tạm dẫn trước bà Le Pen. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi, phụ thuộc vào việc ông Macron hay bà Le Pen thuyết phục thành công gần 50% cử tri đã không bầu chọn cho cả 2 người ở vòng bỏ phiếu đầu tiên cách đây 2 tuần.
Tỉ lệ đi bỏ phiếu của các cử tri trung lập này dự kiến cũng có thể quyết định kết quả bầu cử cuối cùng.
Ông Macron đã tập trung vận động tranh cử nhờ cam kết giới hạn giá nhiên liệu, lương hưu gắn liền với chỉ số cũng như tăng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi cùng chính sách thúc đẩy một châu Âu mạnh mẽ hơn.
Ngược lại, bà Le Pen hứa hẹn sẽ giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi xuống 60 tuổi cho những người bắt đầu đi làm trước 20 tuổi, giảm thuế VAT với nhiên liệu từ 20% xuống 5,5%, thông qua luật mới cho phép công dân Pháp được ưu tiên về nhà ở, việc làm và phúc lợi cũng như trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Tuấn Anh