Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về phát triển nguồn nhân lực 4.0 tại phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit 2019. |
Cũng trong trao đổi tại phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn về Công nghiệp 4.0 năm 2019 - Industry 4.0 Summit 2019 vừa được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức tại Hà Nội, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực 4.0, ngành GD&ĐT đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực này.
Minh chứng cho nhận định trên, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, ở bậc giáo dục phổ thông - bậc giáo dục nền tảng, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận mới, đó là tiếp cận về phẩm chất, năng lực để học xong người học biết làm gì, thay vì học xong biết cái gì như trước đó.
Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT rất chú trọng đến phương pháp dạy và học, đặc biệt là khuyến khích áp dụng phương pháp STEM, STEAM trong dạy và học để hướng tới một thế hệ người Việt Nam có thế mạnh về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán và Nghệ thuật.
“Nhận thức rằng CNTT có tính chất nền tảng rất quan trọng và tiếng Anh là công cụ vô cùng cần thiết, chúng tôi đã chỉ đạo đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học 2 môn học này và đưa vào học từ rất sớm - ngay từ lớp 3”, ông Phùng Xuân Nhạ thông tin.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giao đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2017 đến nay, Đề án này đã và đang được ngành Giáo dục tích cực chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, đến nay Bộ GD&ĐT đã xây dựng được các chuẩn dữ liệu, chuẩn kết nối, phối hợp với các công ty công nghệ kết nối được 52.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và đang tiếp tục kết nối cơ sở giáo dục đại học.
Ngành GD&ĐT cũng đã xây dựng được kho học liệu mở phục vụ trường học kết nối, dạy và học thông qua môi trường mạng. Đồng thời, tham gia tích cực vào hệ tri thức Việt số hóa; hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở giáo dục ứng dụng mạnh mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ngành Giáo dục đang thí điểm cơ chế đào tạo CNTT theo mô hình công nhận tín chỉ, chuyển đổi tín chỉ và đặc biệt là thu hút công ty công nghệ tham gia vào đào tạo trong và ngoài trường (Ảnh minh họa: FPT Edu) |
Đối với bậc đại học - bậc học đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT đang triển khai Đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu mô hình trường đại học 4.0, mô hình trường đại học thông minh gắn với đổi mới sáng tạo. Đến nay, Đề tài nghiên cứu này bước đầu đã đưa ra được 60 tiêu chí các phần mềm và đang được thử nghiệm kết nối các trường đại học để tham khảo, chia sẻ, đối sánh. “Đây cũng là một vấn đề rất cơ bản, nền tảng để đổi mới các trường đại học”, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam để hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng các tài liệu học mở để không chỉ phục vụ cho cho công tác giáo dục trong nhà trường mà còn phục vụ cho học tập suốt đời của cộng đồng.
“Chúng tôi khuyến khích phương thức học từ xa và các mô hình học trực tuyến. Chúng tôi cũng đang cho thí điểm cơ chế đào tạo CNTT theo mô hình công nhận tín chỉ, chuyển đổi tín chỉ và đặc biệt là thu hút công ty công nghệ tham gia vào đào tạo trong và ngoài trường. Đây là mô hình gắn với thực tiễn rất cao.
Chúng tôi cũng đang khuyến khích các trường nghiên cứu, mở các mã ngành đào tạo mới liên quan đến CNTT, ICT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và một số ngành phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực 4.0, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Trong phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, đề cập đến yếu tố khó lường của cuộc CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nhân lực, con người để có thể sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro và đặc biệt là có những giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.
Đặt ra yêu cầu công tác giáo dục đào tạo phải được làm tốt hơn nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, để chuẩn bị nhân lực, con người cho CMCN 4.0, chúng ta không chỉ là ứng dụng phương pháp giáo dục STEM, không chỉ là việc mở mới các ngành liên quan đến công nghệ 4.0 mà cần phải bắt đầu từ những điểm căn bản nhất, thậm chí tưởng rằng không liên quan đến CMCN 4.0, đó là giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nếu chúng ta không quyết liệt thì tỉ lệ tái mù chữ, trẻ em bỏ học, người lớn không được đào tạo căn bản về nghề nghiệp ở khu vực miền núi sẽ có xu hướng ngày càng tăng. Đây là điểm phải được nhận diện và giải quyết, bởi lẽ bản chất của cuộc CMCN 4.0 là không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới phải tiếp tục thực hiện tự chủ đại học một cách quyết liêt hơn nữa nhằm xây dựng môi trường nghiên cứu, học thuật, sáng tạo để trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức mới; qua đó đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.