Xuất hiện trong tập mới nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 5, FuniMart là startup sàn thương mại điện tử dropship (vận chuyển theo đơn đặt hàng).
Theo giới thiệu của nhà sáng lập Nguyễn Minh Đức, FuniMart là cầu nối và giải pháp cho những nhà cung cấp và cộng tác viên kinh doanh online (trực tuyến).
Nhà cung cấp có thể đăng sản phẩm, tìm kiếm, gia tăng, phát triển cộng tác viên và quản lý đơn giản trên một nền tảng thống nhất. Tất cả đơn hàng sẽ được nhà cung cấp xử lý và giao hàng đến tận tay khách hàng. Cộng tác viên sẽ được hưởng hoa hồng trên từng đơn hàng.
Bên cạnh cung cấp sản phẩm và công cụ, FuniMart còn thực hiện việc đào tạo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giúp cộng tác viên bán hàng hiệu quả hơn bằng những khóa học miễn phí và khóa học chuyên sâu có thu phí.
Theo nhà sáng lập, FuniMart còn hợp tác với các cổng thanh toán, ví điện tử để tạo ra một hệ sinh thái quản lý dòng tiền, đơn hàng thuận tiện cho người bán. Với lượng lớn đơn hàng giao dịch chảy qua FuniMart mỗi ngày, startup đã hợp tác với các đối tác tín dụng, cho phép các nhà bán có thể vay tiền làm đòn bẩy tài chính trong kinh doanh online.
Đến Shark Tank Việt Nam, hai đại diện của FuniMart kêu gọi các “cá mập” đầu tư 500.000 USD cho 7,5% cổ phần startup.
Nguyễn Hiếu Liêm – nhà đồng sáng lập và đầu tư thiên thần của FuniMart cho biết, startup đã hoạt động được 2 năm. Trong năm 2022, startup này đã hòa vốn với tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi tháng (GMV) là 500.000 USD và có hơn 50.000 cộng tác viên đang hoạt động.
“Doanh thu trong tháng gần nhất của FuniMart là 1,5 tỷ, đến từ việc thu phí vận hành cho một số nhãn hàng, các khóa đào tạo, phí cố định của các nhà cung cấp và cộng tác viên và phí hoa hồng từ các đơn vị vận chuyển”, Liêm nói.
Trước chia sẻ của statup, Shark Bình cho rằng 4 nguồn thu mà startup nêu ra chưa đáng kể, ngoại trừ việc FuniMart đang “lấy ngắn nuôi dài” từ việc thu tiền các khóa đào tạo bán hàng online.
Có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Chủ tịch HĐQT NextTech cho rằng, nguồn thu quan trọng nhất của những nền tảng dropship như Funimart là thu phí theo GMV. Tuy nhiên, hiện startup lại chưa thu khoản phí này mà cho hết cộng tác viên, ông băn khoăn.
Shark Bình đặt ra tình huống khi các đối thủ khác gọi được nhiều vốn từ các quỹ của nước ngoài thì sẽ “đè” startup và muốn biết sự khác biệt của FuniMart.
Với câu hỏi này, Minh Đức cho biết, FuniMart sẽ là đơn vị hỗ trợ vận hành cho các nhãn hàng và thu phí từ 1-6% tùy dòng sản phẩm. Ngoài ra FuniMart cũng có nhiều nguồn doanh thu khác, ví dụ như từ các đơn vị vận chuyển. Startup hưởng lợi từ 3.000-5.000 đồng/đơn hàng và trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn hàng.
Trên nền tảng FuniMart hiện đã có hơn 100 nhãn hàng niêm yết. Bên cạnh những sản phẩm vật lý, FuniMart định hướng trở thành đối tác, nhà phân phối các sản phẩm phi vật lý như bảo hiểm, vé máy bay, tàu hỏa, tour du lịch,...
Mô tả về bộ máy nhân sự, Nguyễn Minh Đức cho biết đội ngũ của FuniMart có gần 20 người, bao gồm bộ phận marketing, chăm sóc khách hàng, xây dựng và phát triển nhãn hàng.
Vốn điều lệ của FuniMart là 300 triệu, thực góp là 2,3 tỷ. Startup này đã trải qua 2 lần gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần. Vòng đầu tiên vào năm 2020 với số vốn là 10.000 USD, vòng tiếp theo là 100.000 USD vào năm 2022.
Shark Bình phân tích mô hình của startup có nhiều khó khăn. Đầu tiên là nguồn hàng tốt sẽ khó chiết khấu cao. Thứ hai là chi phí tuyển dụng và giữ chân cộng tác viên cao. Biên lợi nhuận của startup thấp so với các ngành thương mại điện tử.
Tiết lộ đã từng đầu tư vào lĩnh vực dropship nhưng chưa thành công, Shark Bình từ chối việc đầu tư cho startup.
Không chỉ Shark Bình, Shark Liên cho rằng FuniMart đang định giá doanh nghiệp quá cao. Với tư cách nhà đầu tư, bà chưa có cơ sở để đầu tư cho startup. Chính vì vậy bà cũng từ chối đưa ra đề nghị cho thương vụ này.
Do không có “cá mập” Shark Tank nào đưa ra đề nghị, 2 nhà sáng lập của sàn dropship FuniMart đành tay trắng ra về.
Trọng Đạt