Sự kiện Brexit không chỉ liên quan trực tiếp đến Anh hay EU, đe dọa lợi ích của đồng minh Mỹ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng kinh tế của Bắc Kinh.

Hiện nay, có hai luồng quan điểm chính đang thảo luận về vấn đề này. Một xem đây là một cơ hội vàng mà TQ cần nhanh chóng nắm bắt, một lại cho rằng Brexit có thể tạo ra những vạ lây dây chuyền mà Bắc Kinh không thể lường trước.  

Vạ lây…

Chuyên gia nghiên cứu chính trị Ivan Lidarev viết trên tờ National Interest rằng TQ sẽ bị “vạ lây” khi Anh rút ra khỏi EU. Bắc Kinh vốn hy vọng có thể tận dụng mối quan hệ thân cận với Anh, để qua đó thay đổi chính sách của EU với TQ theo hướng tích cực hơn. Brexit có thể sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào kế hoạch này.

Thời gian qua, dù gặp nhiều phản đối gay gắt trong nước lẫn quốc tế, chính phủ Anh đã vận động hành lang để EU trao cho TQ tiêu chuẩn Kinh tế thị trường và công khai ủng hộ hợp đồng tự do thương mại trị giá hàng tỉ đô giữa EU và TQ.

Thứ hai, Anh chính là cánh cửa để các nhà đầu tư TQ tiếp cận thị trường cực kỳ khó tính của EU. Brexit không phải là một quyết định sáng suốt của Anh, bởi nó sẽ tạo nên nhiều rào cản và thách thức hơn cho các nhà đầu tư. Theo một số nguồn tin trên báo chí, doanh nghịêp TQ đã trì hoãn một số vụ làm ăn tại Anh trước cuộc trưng cầu dân ý lần này.

London đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT). Là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và được đặt tại EU, London chính là đòn bẩy trong việc đưa đồng NDT tiến xa ra ngoài phạm vi châu Á.

Với đồng tiền được quốc tế hóa, Bắc Kinh sẽ có thể cho vay các khoản nợ bằng chính tiền tệ của mình, kích hoạt phát triển tài chính tiền tệ trong nước, đưa nước này thoát khỏi sự lệ thuộc vào ngoại tệ. Thị trường Anh quốc giúp NDT thành một đơn vị tiền tệ thả nổi tự do mà các quốc gia khác có thể yên tâm giao dịch với Bắc Kinh một cách dễ dàng.

Quan trọng hơn, việc quốc tế hóa đồng NDT sẽ giúp đưa TQ trở thành một trong những quốc gia có tiếng nói quyết định trong hệ thống tài chính thế giới. Nói như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Robert Mundell: “Cường quốc thực sự là nước có đồng tiền mạnh”. Chính vì vậy, việc London, trung tâm chiến lược quốc tế hóa đồng NDT, không còn nằm trong EU là một sự kiện cực kỳ quan trọng với Bắc Kinh.

{keywords}

Thủ tướng Anh Cameron và Chủ tịch TQ tập Cận Bình tại hội nghị an ninh hạt nhân, tháng 3/2014. Ảnh: Atlanticsentinel.com

… hay tận dụng hỗn loạn?

Tuy nhiên, nhìn theo một hướng khác, Brexit lại có thể là một cánh cửa mới mở ra cho TQ. Đầu tiên, nếu xem EU là một đối thủ hơn là đối tác, thì một EU hỗn loạn sau Brexit sẽ là lợi thế cho TQ về dài hạn. Thực tế, kể cả khi đông đủ thành viên thì khủng hoảng nợ công, vấn đề người nhập cư, giá cả và chi phí sản xuất cao ngất ngưởng, năng lực cạnh tranh không ổn định,… cũng khiến khối này khá khổ sở để cạnh tranh với TQ, huống chi giờ đây nền kinh tế lớn thứ hai của khối “dứt áo ra đi”.

Lợi thế thứ hai mà TQ có được từ Brexit chính là cơ hội đàm phán với một nước Anh đơn lẻ. Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển trong mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh, một hợp tác điển hình giữa “cường quốc cũ” và “cường quốc mới”. Hơn 40 năm với tư cách thành viên EU, nước Anh dường như luôn có nhiều lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán với các đối tác kinh doanh.

Theo AFP, chuyên gia về chính sách kinh tế quốc tế châu Âu, ông Guy de Jonquière, cho rằng, một nước Anh không duy trì được quan hệ tốt đẹp với EU rất có thể sẽ trở nên yếu thế trong các vụ làm ăn sắp tới với TQ. Sẽ khó có chuyện một nước Anh đơn lẻ thoải mái thâm nhập thị trường châu Á béo bở này và những đòi hỏi của TQ trong các hợp đồng kinh doanh có thể sẽ được chấp nhận dễ dàng hơn.

Chưa dừng lại ở đó, Brexit có thể là một sự mở đầu cho sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân tộc” trên khắp châu Âu. Nếu Anh có thể rút ra, thì các nước khác cũng có thể nhen nhóm nguy cơ rời khỏi, hoặc ít nhất, có thể đàm phám riêng lẻ với TQ. Các cuộc đàm phán này có thể sẽ bỏ qua một số quy định hay hạn chế của EU đối với nhà đầu tư TQ, điều đã từng khiến TQ phải tìm sự giúp đỡ của Anh.

Nhìn chung, về ngắn hạn, có thể nói Brexit mang lại không ít khó khăn cho TQ trong việc tiếp cận EU và thâu tóm thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, với một nền kinh tế năng động, thích ứng nhanh và hiện có nhiều lợi thế, TQ rõ ràng có thể tìm một đối tác chiến lược khác thay thế Anh trong EU, hoặc tận dụng lục đục nội bộ của EU tìm ra cách thâm nhập thị trường này theo hướng toàn diện hơn.

Với một EU ngày càng yếu thế trong khi TQ liên tục “trỗi dậy”, tăng ảnh hưởng lên các khu vực khác thì việc cố gắng hợp tác với EU là chuyện TQ không nhất thiết phải làm. Tất nhiên, khi tác động của Brexit lên cả EU và Anh mới chỉ là trong dự đoán, thì tất cả những ý kiến trên đây đều cần thời gian để chứng minh.

Trần Thắng