Từ tối ngày 2/4, do hệ thống cáp biển AAG bị sự cố trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hongkong nên toàn bộ lưu lượng đường truyền qua hướng cáp quang biển AAG bị mất khiến cho các nhà mạng của Việt Nam bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế. Cụ thể các nhà mạng như VNPT mất 1140Gbs, FPT mất 550 Gbps và Viettel mất 370 Gbps. Sự cố này khiến nhiều người dùng Internet trong nước gặp phải tình trạng chập chờn, khó sử dụng các dịch vụ quốc tế như tải nội dung trên Facebook hay xem YouTube…
Liên tục trong những năm qua, việc tuyến cáp quang biển AAG xảy ra sự cố không còn là hiện tượng lạ, khi trung bình tuyến cáp quang gặp sự cố ít nhất 1 lần/năm. Tuy nhiên, sự cố xảy ra tại thời điểm này cũng gây ra thêm nhiều phiền toái cho các nhà mạng khi mà với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mọi hoạt động, trong đó có việc triển khai các tàu chuyên dụng để chữa cáp đều đang bị hạn chế tối đa.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng Internet của người dân tăng cao, đặc biệt là sau khi tiến hành "cách ly xã hội 15 ngày" từ 1/4. Theo số liệu Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) công bố thì lưu lượng lưu chuyển qua trung tâm Internet Quốc gia (VNIX) trong tháng 3/2020 đã tăng mạnh hơn 40% so với tháng trước, đặc biệt tại các khu vực chịu cách ly, phong tỏa. Trong đó, hơn 90% lưu lượng tăng tập trung vào các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện sự cố trên tuyến cáp quang biển AAG, các nhà mạng đã triển khai nhiều phương án nhằm điều chuyển lưu lượng sang tuyến cáp quang biển khác như AAE1, APG, SJC, IA và các đường cáp quang trên đất liền kết nối đi quốc tế. Nhưng từ nay cho đến khi sự cố của tuyến cáp AAG được khắc phục xong, việc truy nhập Internet từ Việt Nam đi quốc tế trở nên khó khăn hơn so với bình thường. Do vậy, trong thời gian tới, người dân nên có những giải pháp phù hợp hơn trong việc sử dụng Internet như hạn chế vào các trang xem video, xem phim trực tuyến hay mạng xã hội của nước ngoài…
Tuy nhiên, các nhà mạng cho biết, sự cố đứt cáp AAG không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước như học tập từ xa, đào tạo từ xa sử dụng các nền tảng phần mềm do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và server đặt tại Việt Nam do các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước (không phụ thuộc vào các đường cáp quang biển quốc tế).
Sự cố của tuyến AAG lần này sẽ là một dịp cho người dùng Việt Nam trải nghiệm và ủng hộ các sản phẩm CNTT Make in Việt Nam để học tập, làm việc từ xa, lưu giữ tài liệu của Việt Nam như Viettel Study của Viettel, VNPT Meeting của VNPT, Mega Meeting của MobiFone, Vioedu của FPT, CMC Cloud… và chắc chắn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ICT Việt Nam hoàn thiện sản phẩm, ứng dụng học tập, làm việc và giải trí trực tuyến cũng như các mạng xã hội Việt để khẳng định chất lượng, thu hút người dùng trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về việc đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19, các nhà mạng đã bắt đầu triển khai việc tăng gấp đôi băng thông cho người dùng mà không tăng phí. Cụ thể, từ ngày 1/4/2020, Viettel hoàn thành việc nâng băng thông lên gấp 2 lần mà không tăng giá cho toàn bộ khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cáp quang của Viettel trên toàn quốc. Chương trình ưu đãi miễn phí này được áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch, sau đó băng thông sẽ trở lại về mức khách hàng đang sử dụng trước đó.
Tương tự như Viettel, VNPT cho biết đang bổ sung 18% tổng số trạm và 35% dung lượng core để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới. Cùng với đó, Tập đoàn VNPT cũng tăng gấp đôi tốc độ đường truyền Internet mà giá không đổi cho gói cước Home Combo: từ 50Mbps lên 100Mbps và có thể nâng thêm đến 150Mbps. Đại diện CMC cho hay, từ ngày 1/4 nhà mạng này cũng tăng băng thông lên gấp 2 lần mà không tăng giá cho cả khách hàng đang sử dụng và khách hàng mới.