Nhà đầu tư sốt ruột

Chia sẻ với PV, đại diện chủ đầu tư Nhiệt điện Công Thanh (Thanh Hóa) cho hay đang rất sốt ruột chờ được chấp thuận chuyển đổi dự án sang dùng nhiên liệu khí LNG để có thể phát điện trước năm 2028.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mặt bằng, cảng, san lấp, khoan khảo sát, đường dây đấu nối. Tổ hợp nhà đầu tư đã có, như Tập đoàn BP cung cấp khí, GE cung cấp tua bin máy phát, còn Quỹ đầu tư Actis thu xếp tài chính. Giờ chúng tôi chỉ chờ Bộ Công Thương trình Chính phủ và được chấp thuận là có thể khởi công ngay và luôn”, đại diện chủ đầu tư Nhiệt điện Công Thanh nói.

Một nhà máy điện khí. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, theo đánh giá của vị này, các nhà đầu tư điện khí khác yêu cầu nhận nhiều ưu đãi. Chẳng hạn, Hợp đồng mua bán điện (PPA) phải đảm bảo mua hết 90% sản lượng điện sản xuất ra. Có nhà đầu tư còn đề nghị Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thanh toán thay cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong trường hợp EVN không thực hiện cam kết thanh toán theo hợp đồng và bồi thường thiệt hại trực tiếp cũng như thiệt hại phát sinh khi EVN không có khả năng thanh toán trong dự án điện khí. 

Họ cũng yêu cầu phải bảo đảm việc chuyển đổi một phần ngoại tệ của dự án trên cơ sở khả năng cân đối ngoại tệ tương đương mức cam kết hiện hành của Nhà nước cho các dự án BOT điện (30% doanh thu dự án).

“Trong khi đó, chúng tôi không cần những điều này”, vị đại diện nhấn mạnh.

Với dự án nhiệt điện Công Thanh kể trên, nhà đầu tư và tỉnh Thanh Hóa đã sớm xin chuyển thành dự án điện khí LNG.

Trước kiến nghị này, tại văn bản được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Công Thương ngày 11/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Song, theo phản ánh của nhà đầu tư, họ vẫn chưa nhận được thông tin về bất cứ lịch làm việc nào với Bộ Công Thương và tỏ ra rất sốt ruột.

Ông Bùi Tuấn Tự, Phó Trưởng ban ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và KCN tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Dự án điện than Công Thanh đã có đầy đủ thủ tục về mặt pháp lý, hồ sơ.

Nếu đề xuất của nhà đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa được sớm chấp thuận thì việc triển khai dự án sẽ gặp thuận lợi.

Chuẩn bị sẵn các điều kiện để việc đầu tư điện khí LNG thuận lợi là cần thiết.

Nhiệt điện Công Thanh không phải là dự án duy nhất muốn chuyển đổi sang điện khí LNG để nắm bắt xu thế.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn có 5 dự án. Tổng công suất của 5 dự án này lên tới 7.220MW, gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), Nhiệt điện Công Thanh 600MW, Nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, Nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, Nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.

Trong đó, dự án nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án. Tỉnh Quảng Trị đề xuất thay thế bằng nguồn điện LNG theo văn bản ngày 9/8. Nhiều địa phương khác cũng đang muốn chuyển đổi các dự án điện than chưa triển khai sang làm điện khí.

Trông chờ điện khí LNG để giảm nguy cơ thiếu điện

Theo các chuyên gia, 7.220MW điện than đang chờ phương án xử lý sẽ khó có thể hoàn thành trong bối cảnh nguồn tín dụng cho điện than bị siết chặt.

Ông Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, cho rằng, khó có thể triển khai các dự án điện than nếu không thu xếp được vốn. Chủ đầu tư các dự án này chưa hẳn thừa vốn, mà là đang thiếu.

Chia sẻ với PV, TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận: Việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là vấn đề cấp thiết, không có gì phải bàn cãi. Điện khí LNG ít phát thải hơn nhiều so với điện than, thậm chí ít phát thải hơn khí đồng hành. Chúng ta đang làm cảng nhập LNG Thị Vải. Điện khí LNG khá an toàn cho an ninh năng lượng trong 10-20 năm tới.

Theo TS Hưng, thế giới đang có phong trào quay lưng với điện than. Còn ở Việt Nam, Quyết định 500 về Quy hoạch điện VIII cũng đề ra lộ trình cắt giảm điện than, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. Còn điện khí LNG trong trung hạn vẫn chưa bị dừng.

Ngoài ra, theo ông Lê Hải Hưng, việc vay vốn của các dự án điện khí LNG cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với điện than. "Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức tài chính quốc tế đều đã dừng cho vay vốn làm điện than. Việc vay vốn để làm nhà máy điện than là rất khó. Thay vào đó, các tổ chức tài chính ưu tiên nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo. Điện khí vẫn có thể vay vốn dễ dàng hơn", ông Hưng nói.

Nói về quá trình để nhà đầu tư chuyển đổi dự án điện than sang làm điện khí, ông Hưng đề xuất: Bộ Công Thương cần hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phê duyệt. 

“Nếu cơ quan nào chậm trễ, cản trở việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là đi ngược lại công cuộc bảo vệ môi trường. Phải tạo mọi điều kiện, thậm chí phải khuyến khích nhà đầu tư chuyển đổi từ dự án điện than sang điện khí. Bởi mục tiêu tối thượng hiện giờ là hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, giảm phát thải", TS Lê Hải Hưng nhấn mạnh.

Cho rằng thủ tục chuyển đổi các dự án điện than sang điện khí LNG đang “rất chậm trễ”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bày tỏ: "Các nhà đầu tư đang rất chờ Bộ Công Thương chấp thuận việc chuyển điện than sang điện khí. Cho nên, tôi đề nghị Bộ Công Thương nên sớm vào cuộc cùng nhà đầu tư bàn bạc, thảo luận càng sớm càng tốt".