Chốt phiên giao dịch 15/11, chỉ số VN-Index giảm 29,14 điểm xuống 911,9 điểm. HNX-Index giảm 4,18% xuống 175,78 điểm. Upcom-Index giảm 5,25% xuống 63,3 điểm. Sàn HOSE ghi nhận 208 mã giảm sàn, trong khi đó HNX có 107 mã giảm sàn. Upcom có 73 mã giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản phần lớn giảm sàn với dư bán lớn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nhiều mã giảm hết biên độ: BIDV, MBBank, VPBank. Một số mã trụ cột khác cũng giảm sàn như: Bảo Việt, FPT, GVR, Thế Giới Di Động, Petrolimex, POW.

Trong khi đó, thị trường ghi nhận Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 2.000 đồng lên 57.000 đồng/cp; HPG, Masan và TPBank tăng nhẹ, qua đó giúp thị trường trụ được trên ngưỡng 900 điểm. 

Trước đó, mở cửa phiên sáng, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm giá rất mạnh. Chỉ số VN-Index sáng 15/11 có lúc về sát ngưỡng 900 điểm, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao hơn 1.520 điểm ghi nhận hồi đầu tháng 4/2022.

Cú giảm 41% của thị trường chung trong vài tháng là điều bất ngờ với giới đầu tư, từ các tổ chức trong nước đến các tổ chức nước ngoài. Không ít quỹ ngoại thua lỗ lớn. Nhiều cổ phiếu thậm chí giảm tới 85-90%.

Cổ phiếu Việt Nam giảm giá trong bối cảnh nền kinh tế tích cực hơn khá nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá cũng ổn định hơn.

Tuy nhiên, dòng vốn eo hẹp và thanh khoản thấp trên thị trường chứng khoán cũng như ở nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn, trong đó có nhóm bất động sản, đang là vấn đề khó giải quyết, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu.

Nhiều mã cổ phiếu giảm sâu, mất 8-10 lần trong thời gian ngắn, nhưng vẫn tiếp tục bị bán tháo theo đà giải chấp chung trên thị trường, trong khi nỗi sợ khiến cầu bắt đáy ở mức rất thấp.

VN-Index về sát ngưỡng 900 điểm, từ đỉnh 1.520 điểm hồi đầu tháng 4. (Nguồn: FPTS)

Thị trường chứng khoán giảm mạnh khiến ông Bùi Thành NhơnTrần Đình Long rớt khỏi bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes. 

Cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn giảm hết biên độ phiên thứ 9 liên tiếp với giao dịch ở mức rất thấp, với 44.400 đơn vị được mua bán trong buổi sáng, trong khi dư bán sàn lên tới gần 56 triệu đơn vị.

Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 8 liên tiếp với dư bán lên tới hơn 84 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm thứ 20 của cổ phiếu này. Cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC Corp cũng giảm hết biên độ cho phép với dư bán hơn 21 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm sàn.

Các mã như CII, LDG, CTD, CRE, DRH, NHA, NBB, SCR, SJS, TLD,... đều giảm sàn.

Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc. (Ảnh: Hoàng Hà)

Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh.

Chỉ có Vingroup (VIC) tăng phiên thứ hai liên tiếp, có thêm 2.000 đồng lên 57.000 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sau khi bất ngờ hồi phục nhẹ vào cuối phiên chiều 14/11. Cổ phiếu VPBank của ông Ngô Chí Dũng thậm chí giảm sàn với dư bán lên tới hơn 4,4 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu trụ cột khác giảm hết biên độ cho phép gồm: Bảo Việt, FPT, Thế Giới Di Động, Petrolimex.

Trên thị trường, giới đầu tư thêm lo ngại về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 yêu cầu Bộ Tài chính “sớm báo cáo” đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.

Hôm 14/11, Bộ Tài chính phát đi thông tin lưu ý về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cho biết, thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị: Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.