Một số nước lớn chưa có chân trong TPP, như Trung Quốc, nước Nga… có thể “tập hợp lực lượng” làm đối trọng với TPP của 12 quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Đại dự án sau 'bức màn bí mật' còn gay cấn

Vải nhập TQ thành áo sơ mi xuất xứ Việt hay Trung?

Nga không thấy thoải mái

Không chỉ Ấn Độ mà nước Nga của Putin cũng không cảm thấy thoải mái khi TPP hoàn thành mà họ thiếu họ.

Hồi cuối tháng 9, trong bài phát biểu tại Liên hiệp quốc, Tổng thống Putin từng ngụ ý, một số nước đang có xu hướng tụ thành nhóm hẹp với lợi ích riêng mà WTO không có tiếng nói nào. “Nhóm nước này” khó có thể là ai khác ngoài TPP và các thành viên của nó.

Giờ đây khi TPP đã hoàn tất đàm phán, ông Putin tất nhiên cần có đối sách cụ thể thay vì chỉ bày tỏ thái độ.

Còn nhớ người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với hãng tin Sputnik hồi tháng 10 rằng, “Nga đang thận trọng đánh giá TPP trước khi đưa ra quyết định”. Trước đó từ năm 2014, ông Putin cũng ngụ ý, TPP sẽ “kém hiệu quả nếu thiếu đi sự hiện diện của Nga và TQ”.

Cho dù “quyết định” ở đây chưa được định hình rõ, nhưng gần như chắc chắn việc tham gia TPP là một khả năng mà Kremlin đang tính tới. Nếu đợi đến khi một khuôn khổ khác là TTIP hoàn tất, hiện trạng bị cô lập về kinh tế sẽ trầm trọng thêm với Nga.

{keywords}{keywords}

Hai nguyên thủ Nga - Trung trong một sự kiện tại Moscow. Ảnh: AP

Bản thân Nga cũng đang thúc đẩy những sáng kiến hội nhập của riêng mình, như Liên minh Kinh tế Á-Âu chẳng hạn. Kế đến là một khả năng ngày càng rõ ràng: sự hợp tác về kinh tế ngày càng sâu rộng giữa Nga và TQ. Nga hiện đã là một mảnh ghép quan trọng trong đại dự án Một vành đai - Một con đường do TQ khởi xướng thông qua hai kênh là Liên minh Kinh tế Á-Âu và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Năm nay, Nga và TQ đã kí kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Đáng chú ý trong số này là việc ngân hàng nhà nước lớn nhất của Nga Sberbank sẽ mở tài khoản trị giá gần 1 tỉ USD ở Ngân hàng Phát triển TQ, và việc TQ đầu tư xấp xỉ 6 tỉ USD cho dự án đường sắt cao tốc nối liền Moscow và thành phố Volga, Kazan.

Ấn Độ vẫn lận đận 

Một trong những nền kinh tế được đánh giá sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do đứng ngoài TPP là Ấn Độ hiện vẫn im lặng.

Ấn Độ là quốc gia có thành tích đàm phán FTA khá lận đận. Nước này vẫn đang trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại song phương với 10 nền kinh tế, song tất cả vẫn còn xa mới có thể hoàn tất. Ví dụ, thỏa thuận mở rộng về đầu tư và thương mại EU - Ấn Độ đàm phán suốt từ 2007 đến nay vẫn chưa xong; Đàm phán hiệp định đầu tư song phương Ấn Độ - Mỹ diễn ra từ 2008 cũng chưa đi tới kết thúc.

Hậu quả của sự chậm chạp này đã bắt đầu ảnh hưởng ngày càng rõ đến lợi ích của Ấn Độ. Tuy nhiên giới lãnh đạo nước này vẫn chưa đồng thuận cho câu hỏi, liệu mở cửa thị trường có đem lại tăng trưởng kinh tế? Lợi ích đạt được có đáng để từ bỏ bảo hộ với những ngành nhạy cảm của nước này hay không?

Báo cáo của Fred Bergsten thuộc viện Peterson cho thấy thiệt hại đối với xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ có thể lên tới 50 tỉ USD. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn của TPP, đặc biệt trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Ấn Độ.

Một giải pháp về thương mại đa phương lúc này cho Delhi là RCEP, nhằm cân bằng lại các tổn thất mà Ấn Độ phải chịu khi đứng ngoài sân chơi TPP.

Do đó, tham gia TPP là một khả năng Ấn Độ phải tính tới.

Tập hợp lực lượng

Theo giới quan sát, hiệu ứng “loại trừ” từ TPP sẽ buộc các quốc gia đứng bên ngoài khối phải tính toán lại chiến lược kinh tế của mình.

Đối với hầu hết các nước thuộc nhóm BRICS, trở thành một phần của TPP hiện vẫn là một cân nhắc nghiêm túc. Mặc dù vậy, khi tập hợp cả những yếu tố địa chiến lược, lựa chọn nói trên càng khó trở nên khả dĩ. Thay vào đó, các diễn biến cho thấy việc vận dụng những sáng kiến thương mại và đầu tư phát triển khu vực riêng rẽ đã và đang là xu thế phản ứng chính của những nền kinh tế lớn.

Trong số này, TQ, vốn giàu tiềm lực và quyết tâm chính trị, đang cho thấy sự chủ động. Và việc nước Nga của Putin, rồi Ấn Độ, và cả Brazil… hoàn toàn có thể bắt tay với Bắc Kinh để tạo thành một khối đối trọng với TPP của 12 quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những biểu hiện “tập hợp lực lượng” của một khối như vậy vẫn còn đang rời rạc.

Nguyễn Vũ Nhật Anh

Tác giả Nguyễn Vũ Nhật Anh đang là nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.