Phần 2 loạt bài này nhìn lại cú sốc dầu mỏ lần thứ nhất năm 1973, nguyên nhân và tác động đến các siêu cường của cú sốc.

Xem lại Kỳ 1: Khi Liên Xô vượt Mỹ chiếm ngôi dầu mỏ số 1

Cuộc chiến Yom Kippur: Chiến tranh A Rập-Israel 1973 (từ 6 – 26/10/1973)

Ngày 6/10/1973, nhằm lễ Kippur của người Do Thái (Ngày sám hối và xá tội), nhiều đơn vị quân đội Ai Cập vượt kênh đào Suez. Và chỉ hôm sau, 5 sư đoàn Ai Cập đã tiến vào bán đảo Sinai. Cùng thời điểm, quân đội Syria có hỗ trợ của quân Iraq, đã tiến vào vùng chiếm đóng của quân đội Israel của Golan, chiếm đồi Herman và thành phố Kuneitra.

Trước đó, tình hình căng thẳng chưa dịu đi từ cuộc “Chiến tranh 6 ngày”, (5/6 - 10/6/1967 giữa Israel với Ai Cập và Syria), lại bị khuấy lên bởi sự kiện ngày 21/2/1973, một máy bay dân dụng của Lybia bị không quân Israel bắn rơi tại bán đảo Sinai.  

Từ 8/10/1973, quân đội Israel đảo ngược tình thế ở cao nguyên Golan, chiếm lại toàn bộ cao nguyên và tiến đến chỉ còn cách thủ đô Damas của Syria 30km. Tại mặt trận Sinai, họ tiến chậm hơn và đến đêm 14 rạng sáng 15/10 mới vượt được kênh đào Suez với lực lượng mạnh.

Cuộc chiến kéo dài trong vòng 3 tuần, đến ngày 23/10 thì quân đội Israel đã ngừng bắn hẳn sau khi đã giành được những thắng lợi đáng kể. Cùng ngày, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc theo đề nghị của Liên Xô và Hoa Kỳ đã ra nghị quyết số 339 yêu cầu các bên ngừng bắn, rút quân về vị trí ban đầu. Các bên đều chấp thuận nghị quyết này. 

{keywords}

Ảnh: Andy Buchanan/PA 

Khi các nước kém phát triển chống lại siêu cường 

Ngày 16/10/1973, năm nước Abou Dhabi, Iran, Iraq, Kuwait, Qatar và Saudi Arabia họp tại Kuwait để tăng giá dầu thô từ 3,0001 USD lên 5,119 USD/ thùng. Hôm sau chính các nước này, chỉ trừ Iran, tuyên bố tiến hành một “cuộc chiến dầu mỏ” chống Israel. Họ dự tính sẽ tuyên bố trước hết sẽ cấm vận dầu mỏ, đầu tiên là Hoa Kỳ, Hà Lan; sau đó là các nước Bồ Đào Nha, Rhodesia và Nam Phi. Ngoài ra họ cũng quyết định hạn chế xuất khẩu dầu 5% sang các nước bị coi là “không thân thiện”.  

Trong số các nước Phương Tây, Pháp không bị coi là nước “không thân thiện” nên không bị áp dụng hạn chế này. Thái độ của nước Pháp trước những diễn biến của cuộc “Chiến tranh Kippour”, ngày 8/10 Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã phát biểu: “Có lẽ nào những cố gắng đặt chân lên đất nước của mình lại bị coi là xâm lược bất ngờ?”   

Tuyên bố cấm vận được phát ra sau đó nhưng nhanh chóng tỏ ra ít hiệu lực. Lệnh cấm vận đối với Hoa Kỳ được bỏ vào tháng 3/1974; còn Hà Lan là ngày 11/7 cùng năm.  

Thực ra trước đó tại Tehran từ 22 đến 24/12/1973, các nước OPEC đã họp và thống nhất tăng giá bán dầu lên mức 11,651 đôla từ 1/1/1974, nghĩa là gấp 4 lần thời điểm tháng 10/1973. Liên Xô là nước ủng hộ quyết định đó, vì cũng đã là một nước xuất khẩu dầu và chuẩn bị trở thành thành viên của tổ chức này; đồng thời Liên Xô tìm thấy trong hành động này là “hành động chống chủ nghĩa đế quốc”. Đây là lần đầu tiên các nước kém phát triển tìm thấy thế mạnh của mình chống lại các siêu cường. 

Kinh tế Hoa Kỳ bị ảnh hưởng mạnh trong giai đoạn này, đồng đôla hai lần sụt giá, một lần vào tháng 8/1971 và lần thứ hai tháng 2/1973. Những nỗ lực của các nước phát triển nhằm cải thiện tình hình vào năm 1975 không có kết quả.  

Henry Kissinger là người có nỗ lực rất nhiều trong những hoạt động này, mà một sự kiện quan trọng là việc thành lập tổ chức của những nước tiêu thụ chính “Cơ quan năng lượng quốc tế” (IEA), gồm 9 nước thị trường chung Châu Âu EC trừ Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Thụy Điển, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ.  

Tổng thống Pháp Giscard D’Estaing chống lại việc này, ông cho rằng đó là hình thức “cartel của những nước tiêu thụ dầu”; do đó tháng 4/1975 ông đề nghị tổ chức một hội nghị năng lượng giữa những nước sản xuất và những nước tiêu thụ dầu. Cuộc họp trù bị đầu tiên được tiến hành ở Paris ngày 7/4/1975 nhưng thất bại. Các nước IEA thì muốn hội nghị chỉ tập trung vào những vấn đề năng lượng, còn các nước OPEC thì còn muốn mở rộng sang các vấn đề về nguyên liệu, cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế và vấn đề phát triển.  

Giữa tháng 12/1975, vẫn tại Paris, một hội nghị nữa được tổ chức giữa 7 nước OPEC, 12 nước kém phát triển hoặc ít xuất khẩu dầu mỏ: Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Nam Tư,… và 8 nước công nghiệp, trong đó EC chỉ có một đại biểu. Vì không thống nhất được về chương trình nghị sự, hội nghị này cũng lại thất bại.  

Pháp đã cố gắng tìm được một giải pháp thỏa hiệp giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển bằng cách sử dụng những đồng “đôla dầu mỏ” để tài trợ phát triển của “Thế giới thứ ba”, dưới sự bảo đảm của Ngân hàng thế giới, nhưng vấp phải sự phản đối của Hoa Kỳ. Từ 3 đến 31/5/1976, một hội nghị nữa được tổ chức ở Nairobi (Kenya) cũng không thành công. 

Thắt lưng buộc bụng 

Do không đạt được những thỏa thuận toàn cầu và việc tăng giá lên rất cao so với mức cũ của các nước OPEC, đã ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của kinh tế thế giới. Anh, Italia có tốc độ lạm phát hàng năm 20%. Các nước công nghiệp phát triển đều đứng trước khó khăn giá dầu tăng cao, buộc phải thi hành chính sách “thắt lưng buộc bụng.”  

Có thể kể ra các nước như Anh, Đức, Nhật Bản… đều phải áp dụng phương án này. Pháp, thi hành “Kế hoạch Barre” từ tháng 10/1976 cũng có vẻ có hiệu quả. Ba nước Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản áp dụng thành công chính sách khắc khổ nên duy trì được mức lạm phát 6%. Song hành với lạm phát là nạn thất nghiệp đạt mức 6% ở cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu.  

Với những nền kinh tế kém phát triển lại không sản xuất dầu mỏ thì thực là khó khăn không thể chịu nổi, “cú sốc dầu mỏ” này đã dẫn tới thâm hụt cán cân thanh toán của các nước này đến 9 tỷ đôla năm 1973 và tăng lên tới 35 tỷ đôla năm 1975. 

Ngay sau Cú sốc dầu mỏ lần thứ nhất, các nước OPEC đã nhận ra “vũ khí dầu mỏ” là con dao hai lưỡi, vì một khi giá dầu tăng quá cao, thì người ta sẽ dồn sang sử dụng các dạng năng lượng khác.  

Đồng thời qua những lần giá dầu tăng, thế giới cũng có những thay đổi rất lớn. Các nước xuất khẩu dầu dùng lợi nhuận thu được từ dầu mỏ để tái đầu tư công nghiệp hóa, làm tăng mức độ công nghiệp hóa toàn cầu. Các nước công nghiệp phát triển mỗi khi đối mặt với giá năng lượng cao, lại tìm cách chuyển sản xuất ra các nước có mức độ công nghiệp hóa thấp hơn, nhưng có ưu đãi lớn hơn về thuế và giá nhân công rẻ… Có thể nói, đó chính là một nguyên nhân làm xuất hiện của hàng loạt các “con hổ” “con rồng” như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan...  

Và quan trọng nhất là con người với sự tiến bộ của công nghệ, ngày càng muốn tìm ra những nguồn năng lượng “xanh” mới, những thiết bị đầu cuối “xanh” tiết kiệm nhiên liệu để ngày càng giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và đối phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường trái đất.

(Còn tiếp)

Phúc Lai

------- 

 Tài liệu tham khảo:

1. “Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang. 

2. Các bài viết trên các báo, trang web: Website chính thức của OPEC (Opec.org), Telegraph, Stanford.edu, Brookings.edu, New Scientist, v.v…