Chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu thảo luận về kinh tế - xã hội. Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. 

Ông Nghĩa dẫn Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 quy định "thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ 1 tuần lễ". Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.

"Sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần", ông Nghĩa bày tỏ sự băn khoăn.

311020230221 z4835014246277 f6d77c4bdb3d1d4d0042e1bff8860906.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Ảnh: Quốc hội)

Theo ông Nghĩa, người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999). Ông cho rằng đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Sau đó, trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội, ông Nghĩa đánh giá, mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa thể đáp ứng được điều kiện khó khăn trong đời sống của người lao động khu vực tư so với phần trượt giá.

Ông Nghĩa rất mong muốn Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng trình Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, tốt nhất là thực hiện đồng thời với cải cách tiền lương ở khu vực công vào ngày 1/7/2024.

Theo đại biểu Nghĩa, khi thực hiện cải cách tiền lương, khu vực công sẽ không tính lương theo hệ số nữa mà có bảng chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

“Theo tôi được biết hiện nay mức lương khởi điểm cao hơn mức lương tối thiểu vùng 4 (3.250.000 đồng/tháng) của khu vực tư”, ông Nghĩa thông tin.

Ông phân tích thêm, lương của lao động khu vực tư hiện nay không áp dụng hệ số, tổng thu nhập của họ cũng không phải là cao trong khi chi phí cuộc sống bị tác động bởi lạm phát. Hơn nữa, khoảng thời gian từ lúc tăng lương tối thiểu vùng (2022) đến 1/7/2024 là khá dài. Trước đây lương tối thiểu vùng tăng đều hằng năm, chỉ trừ thời gian bị Covid-19.

Về vấn đề số giờ làm, ông Nghĩa cho hay, từ năm 1999 với khu vực công chúng ta đã cắt giờ làm, nghỉ ngày thứ 7 còn 40 giờ/tuần, trong khi đó khu vực tư vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần.

Ông dẫn chứng thống kê của quốc tế trong 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 nước áp dụng số giờ làm 48 giờ/tuần như Việt Nam; 2/3 nước áp dụng dưới 48 giờ/tuần.

“Thời gian làm thêm tại Việt Nam cũng tương đối cao so với mặt bằng chung”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nêu chỉ số năng suất lao động năm nay được dự báo không đạt chỉ tiêu, đây là năm thứ 3 liên tiếp không hoàn thành.

Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 20,4 nghìn USD, rất thấp so với khu vực và trên thế giới. Điều này khiến kinh tế Việt Nam phải đối mặt với thách thức rất lớn để bắt kịp với năng suất lao động các nước trong khu vực.

311020230231 z4835068820786 4caa1fe3c1ab15710e038cfa86b42709.jpg
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Ảnh: Quốc hội)

"Cải thiện và tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam, là con đường ngắn nhất để đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ tiên tiến của các nước", đại biểu Phương khẳng định.

Nhận định tốc độ tăng năng suất lao động là mục tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá tình hình và có giải pháp cụ thể quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động.

Giải bài toán tăng lương, tăng giá khi cải cách tiền lương

Giải bài toán tăng lương, tăng giá khi cải cách tiền lương

Khi cải cách tiền lương sẽ chỉ làm thay đổi cơ cấu chi ngân sách Nhà nước, tức là tăng chi thường xuyên và có thể sẽ làm giảm chi các hạng mục khác, không làm tăng quy mô chi ngân sách một cách bất thường nên tác động đến lạm phát không đáng kể.
Văn Thường và nhóm PV, BTV