UBND quận Ba Đình đã lắp đặt tại trụ sở 22 cơ quan đơn vị thuộc quận hệ thống truyền tin báo cháy và lắp đặt 2 trung tâm tiếp nhận thông tin đặt tại Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tại đường Hồng Hà, phường Phúc Xá và tại Công an quân Ba Đình.

Khi lắp đặt hệ thiết bị truyền tin báo cháy, mọi sự cố cháy nổ ngay lập tức được phản ánh đến số điện thoại lãnh đạo phường, Công an phường và truyền tin đến trung tâm tiếp nhận tại đội Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an quận. Quan trọng hơn cả, vị trí xảy ra cháy được định vị chính xác hiện thị trên màn hình bản đồ GPS để lực lượng chữa cháy triển khai tác chiến hiệu quả, nhanh nhất, giảm thiệt hại.

be chua chay.jpg
Hệ thống bơm nước chữa cháy được lắp đặt ở khu dân cư.

Giải pháp truyền tin cảnh báo là giải pháp thu nhập tín hiệu cảnh báo từ tủ trung tâm báo cháy hoặc từ các cảm biến thông minh (khói, nhiệt, khí CO...) tại các điểm có nguy cơ cháy nổ (tòa nhà, cây xăng, cơ sở kinh doanh, văn phòng, chung cư, hộ gia đình...). Từ đó, khi xảy ra sự cố cháy nổ, hệ thống sẽ thực hiện báo động đồng thời cho nhiều người, các đơn vị cảnh sát PCCC bằng nhiều hình thức như gọi điện, nhắn tin, báo trên phần mềm ứng dụng...

Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ trong quá trình ứng cứu, xử lý sự cố như: Chỉ đường đến điểm cần ứng cứu, chỉ dẫn các lực lượng, tài nguyên hỗ trợ gần điểm ứng cứu, cung cấp thông tin đến điểm cần ứng cứu.

PCCC là việc làm quan trọng và cần thiết đối với mỗi cá nhân, nhất là trong thời điểm hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra khá thường xuyên như hiện nay. Mỗi tổ chức, cá nhân cần ý thức được tầm quan trọng của việc PCCC trong cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, quận Ba Đình cũng đang triển khai thi công 13 bể nước ngầm tại các khu vực ngõ sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được, kết hợp trạm bơm chữa cháy tự động, lắp đặt hệ thống họng nước chữa cháy + dây, vòi lăng phun (khi có cháy chỉ cần mở van họng nước hệ thống máy bơm tự kích hoạt). Dung tích các bể trung bình khoảng 50-70m3; giúp cho đội PCCC dân phòng tại các tổ dân phố và người dân có thể thực hiện chữa cháy bằng nước.

Vào đầu táng 8/2023, Thượng tá Ngô Thanh Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cho rằng, về lâu dài cần có quy định lắp đặt hệ thống báo cháy tự động đối với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, ông Lâm cho rằng, cần tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ, bởi thực tế trong 3 vụ cháy nêu trên, phòng ngủ đều có thể mở lối thoát nạn khẩn cấp…

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH Bộ Công an cũng cho rằng, hệ thống báo cháy tại nhà ở đang dần phổ biến trong thời điểm gần đây; việc lắp đặt khá đơn giản, dễ dàng sử dụng, giá cả phù hợp với người dân; do đó Công an thành phố cần tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt hệ thống tại nhà ở để bảo đảm an toàn.

Trước đề xuất trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương thống kê lại tổng kinh phí trang bị cho cơ sở như thế nào để có phân bổ hỗ trợ cho các địa bàn còn khó khăn.

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, để bảo đảm 100% có bình chữa cháy và được tập huấn PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền theo kế hoạch đã được giao. Đồng thời, ông Lê Hồng Sơn đề nghị HĐND TP tăng cường giám sát, tăng cường chất vấn về việc xử lý các công trình vi phạm PCCC.

Thanh Nga và nhóm PV, BTV