Theo hãng tin Yonhap, từ đầu năm nay, Triều Tiên đã thử nghiệm một loạt tên lửa. Gần nhất, hôm 28/1, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng tên lửa hành trình chiến lược Pulhwasal-3-31 từ tàu ngầm. Tên lửa này đã bay được hơn 2 giờ, và bắn trúng các mục tiêu đã định ở trên biển.
Pulhwasal-3-31 là thế hệ tên lửa hành trình chiến lược mới được Bình Nhưỡng thử nghiệm lần đầu hôm 24/1.
Các chuyên gia nhận định tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ thống phòng không của Hàn Quốc. Bởi chúng khó bị phát hiện và bắn hạ hơn, do bay ở độ cao thấp và có khả năng tấn công chính xác.
“Không giống như tên lửa đạn đạo tập trung tiêu diệt hàng loạt mục tiêu tầm xa, tên lửa hành trình có khả năng tấn công chính xác ở cự ly gần, nên gây ra mối đe dọa đáng kể cho Hàn Quốc”, ông Choi Il, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tàu ngầm nói.
Vào tháng 9/2023, Triều Tiên tuyên bố sở hữu tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên có khả năng thực hiện tấn công hạt nhân dưới nước.
Trên thực tế, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vốn nằm trong danh sách các vũ khí hiện đại mà Chủ tịch Kim Jong Un công bố muốn phát triển hồi năm 2021 bên cạnh tên lửa siêu vượt âm, vệ tinh do thám, tên lửa tầm xa sử dụng nhiên liệu rắn, và tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm.
Theo ông Choi, việc Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa Pulhwasal-3-31 dường như muốn chứng tỏ khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu. Do đó, tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lại càng là thách thức đối với hệ thống phòng không Hàn Quốc.
Ngoài ra, vào ngày 19/1, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thiết bị không người lái tấn công dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Haeil-5-23 để đáp trả cuộc tập trận hải quân kết hợp của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Đầu tháng này, Triều Tiên cũng đã phóng thử một tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) gắn đầu đạn siêu vượt âm. Theo Bình Nhưỡng, tên lửa có thể nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam và Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định nếu được hoàn thiện, sự kết hợp giữa IRBM nhiên liệu rắn với đầu đạn siêu vượt âm sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” vì tốc độ và khả năng cơ động của nó.
Tên lửa siêu vượt âm di chuyển với tốc độ tối thiểu Mach 5 tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Chúng được thiết kế để có thể hoạt động cơ động trên những đường bay không thể đoán trước, và bay ở độ cao thấp.
Với tốc độ Mach 5 hoặc cao hơn, tên lửa có thể di chuyển quãng đường 195km giữa Bình Nhưỡng và Seoul chỉ mất 1 - 2 phút.
Ngoài ra, những tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thể sẵn sàng phóng đi nhanh hơn, dễ di chuyển và che giấu hơn, nên khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.
Nhà nghiên cứu Shin Jong-woo tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, “Triều Tiên dường như đang phô trương tên lửa siêu vượt âm để chứng minh khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc như PAC-3 và THAAD”.
Hàn Quốc đang sử dụng Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để bắn hạ các tên lửa ở độ cao 40 - 150 km. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) có thể bắn các tên lửa ở độ cao từ 40km trở xuống.