Một động thái lạ, nhiều đại gia gần đây là âm thầm bán hết cổ phần ngàn tỷ của mình giữa lúc thị trường trầm lắng với giá thấp hơn nhiều so với thời đỉnh cao rồi lặng lẽ ôm tiền mặt rút lui. Họ thu về một khoản tiền lớn nhưng đằng sau đó có thể là cả một sự đánh đổi và chấp nhận.

Bán nhanh, bán hết

Tại Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá (DXP), ông Vũ Tuấn Dương - đại diện Vinalines tại DN này đã có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động ở chức vụ tổng giám đốc (TGĐ) từ 31/8.

Sự thay đổi này liên quan tới vụ việc thoái vốn của Vinalines tại DN này. Tính tới 28/5, Vinalines không còn là cổ đông của DXP sau khi bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu DXP, gần 50% vốn DN. Trước đó, 2 phó TGĐ là ông Nguyễn Văn Phú và ông Hoàng Văn Chung cũng đã có đơn xin từ nhiệm và được HĐQT thông qua trong tháng 8/2015.

{keywords}

Nhiều đại gia gần đây là âm thầm bán hết cổ phần ngàn tỷ của mình rồi lặng lẽ ôm tiền mặt rút lui.

Vinalines cũng đã bán 8,5 triệu cổ phiếu CNH của Cảng Nha Trang nhằm tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang đã mua toàn bộ số cổ phần này và nắm giữ 34,64% vốn DN.

Vinalines cũng đã IPO thành công Cảng Sài Gòn và gần đây thoái vốn thành công 16,5% vốn cổ phần, tương đương 35,7 triệu cổ phần DN này cho VietinBank và VPBank thu về hơn 411 tỷ đồng vào ngày 28/8 vừa qua.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã chính thức hoàn tất thâu tóm Cảng Quảng Ninh. Vinalines đã chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phiếu, tương đương 98% cổ phần của Cảng Quảng Ninh cho tập đoàn này.

T&T của bầu Hiển cũng như một vài đại gia có tiếng tăm khác đã bày tỏ mong muốn mua vốn tại sân bay Phú Quốc, ga Hà Nội…

Theo Đề án tái cơ cấu, trong giai đoạn 2012-2015, Vinalines sẽ thoái vốn khỏi 37 DN và giải thể, phá sản đối với 4 DN. Với những diễn biến mới, có thể thấy, tốc độ bán vốn đang được đẩy nhanh lên và một điểm mới là: Vinalines bán cổ phần với tỷ lệ lớn, thậm chí lên tới gần 100% để đảm bảo thành công.

Thu tiền, nhẹ nợ

Theo báo cáo sơ kết, trong 6 tháng đầu năm, hạch toán theo công ty mẹ, Vinalines đã có lãi 124 tỷ đồng. Đây là điểm  nổi bật của TCT này nếu so với khoản lỗ trên 1.600 tỷ đồng trong 2014. Trong quý II/2015, công ty mẹ xử lý được 1.431 tỷ đồng nợ phải trả, góp phần giảm nợ từ khi tái cơ cấu đến nay là 3.654,9 tỷ đồng.

{keywords}

Sự khó khăn của đa số các DN vận tải biển và việc phải bán phần lớn cổ phần tại các cảng biển lớn khiến nhiều người e ngại về triển vọng dài hạn.

Giải pháp xử lý các khoản nợ trên chủ yếu là tổ chức bán nợ qua DATC và một phần nhận hoán đổi các khoản thoái vốn của Vinalines để cấn trừ nợ. Công ty mẹ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán để xử lý dứt điểm các khoản nợ tại Vietinbank, ACB, VPBank… và đã đạt được những thoả thuận bước đầu tích cực.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Vinalines đã hoàn thành thoái vốn tại 11 DN với số tiền thu về gần 1.257 tỷ đồng, nâng tổng số DN thoái vốn lên 32 và tổng số tiền thu về gần 1.790 tỷ đồng, bảo toàn được vốn đã đầu tư…

Có thể thấy, chặng đường vừa qua của Vinalines là hết sức khó khăn. Những thành công như hiện tại là đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự khó khăn của đa số các DN vận tải biển - ngành kinh doanh cốt lõi của TCT - và việc phải bán phần lớn cổ phần tại các cảng biển lớn khiến nhiều người e ngại về triển vọng dài hạn.

Có một thực tế đáng buồn là, hầu hết các DN cảng biển trực thuộc Vinalines hoạt động kém hiệu quả. Hàng loạt các đợt IPO các đơn vị như Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang đã rất ế ẩm trong năm 2014. Nhưng ngay lập tức, sau khi Vinalines nâng tỷ lệ bán vốn lên, đã xuất hiện làn sóng các ông lớn xếp hàng mua cảng biển.

Thực tế làm ăn kém hiệu quả của các DN chịu sự chi phối của Vinalines trái ngược với kết quả làm ăn rất tốt của các DN đã “ra ở riêng” như Cảng Đình Vũ, Viconship. Cảng Đoạn Xá (DXP) trong 6 tháng đầu năm 2015, DXP lãi trước thuế 30 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch năm.

Một số ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại về việc bán một cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, cảng biển… tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận Đinh La Thăng cho biết, đó không phải là bán mà là một hình thức chuyển nhượng kết cấu hạ tầng hàng không đã được quy định trong Luật.

Trên thực tế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cổ phần hóa giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương, cho rằng: sở dĩ các “ông lớn” muốn tham gia vào lĩnh vực cảng biển, cảng hàng không, nhà ga… là bởi với các hiệp định thương mại tự do FTA đã và sắp được ký kết, logistics sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất. Khi mà thuế về 0 hoặc ở mức rất thấp thì hàng hóa sẽ tự do di chuyển, ai nắm được logistics và hệ thống phân phối sẽ là người chiến thắng.

Mạnh Hà