Hàng chục tỷ USD lên sàn cùng với dòng vốn mới hàng tỷ USD và kỳ vọng lớn đã khiến thị trường liên tục gây bất ngờ và sắp phá vỡ đỉnh cao mọi thời đại. Lịch sử 10 năm đang lặp lại khiến nhiều người cảm thấy nghẹt thở.

Bứt phá thần tốc

Trái ngược với dự báo một tháng 11 đen tối thường thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong tháng áp chót 2017 đã gây bất ngờ với một cú tăng thần tốc thêm khoảng 13,5% lên sát ngưỡng 950 điểm và xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau chứng khoán Mông Cổ.

Trong phiên đầu tháng 12, VN-Index tiếp tục tăng dữ dội thêm hơn 10 điểm lên trên ngưỡng 960 điểm, bỏ xa đỉnh cao nhất kể từ đầu 2008: 921,1 điểm.

{keywords}
Thị trường chứng khoán lên đỉnh cao gần 10 năm qua (ảnh minh họa - Minh Dũng)

Tính tới thời điểm này, TTCK thực sự đã có một năm tăng điểm ấn tượng, với VN-Index tăng tổng cộng hơn 44%, từ mức 664,87 điểm lên trên 960 điểm như hiện nay. Sự hưng phấn của thị trường đã vượt qua tất cả các dự đoán lạc quan nhất hồi đầu năm.

Thị trường chứng khoán lên đỉnh cao gần 10 năm qua với hàng loạt cổ phiếu lớn thiết lập mức giá cao kỷ lục mọi thời đại. Hàng loạt những kế hoạch kinh doanh khủng của các tập đoàn là một trong những lý do giúp thị trường chứng khoán sắp phá vỡ đỉnh cao mọi thời đại.

Cũng trong phiên đầu tháng 12, cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường - Vinamilk (VNM) ghi nhận thêm một phiên bứt phá ngoạn mục, tăng 9.300 đồng (5%) lên mức cao kỷ lục mọi thời đại mới: 196.000 đồng. Trước đó, cổ phiếu VNM đã bất ngờ tăng vọt từ ngưỡng cao 150.000 đồng/cp lên vùng 180 ngàn đồng/cp sau khi gã khổng lồ 200 năm tuổi Jardine Matheson của Hồng Kông chi cả tỷ USD mua cổ phiếu này ở cả trên sàn và đấu giá với mức 186 ngàn đồng/cp.

Cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 Sabeco (SAB) “khiêm tốn” đứng sát ở đỉnh cao kỷ lục 340 ngàn đồng/cp.

Khối ngoại không ngừng mua ròng. Dòng tiền nội ngoại ồ ạt đổ vào không chỉ ở một vài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như vài tuần trước đây mà lan tỏa rộng khắp các nhóm ngành, từ chứng khoán, bất động sản, xây dựng cho tới dầu khí, hàng không, điện,...

Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục lên mức cao kỷ lục như: Vincom Retail (VRE), Vingroup (VIC), GAS, Petrolimex (PLX), Thế Giới Di Động (MWG), Vietcombank (VCB), VietJet (VJC),...

Vốn hóa Sở GDCK TP.HCM vượt qua mốc 100 tỷ USD, nếu tính cả 2 sàn HNX và UPCOM thì quy mô vốn TTCK Việt Nam đã lên tới khoảng 135 tỷ USD, tương đương 62% GDP cả nước,... Hàng loạt cổ phiếu lớn lên sàn và giá thị trường chung tăng mạnh như: Sabeco, Habeco, Vietjet Air, MWG, VPBank, Petrolimex, Vincom Retail,...

TTCK đã có doanh nghiệp vượt mốc vốn hóa 10 tỷ USD, giao dịch trên thị trường có phiên đạt 1 tỷ USD. Thị trường tăng trưởng bùng nổ cả về quy mô và điểm số. Gần đây, một số dự báo còn cho rằng, VN-Index có thể phá vỡ đỉnh cao 1.179 điểm thiết lập hồi năm 2007.

Mốc 1.000 điểm cận kề

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho rằng, TTCK có thể đạt ngưỡng 1.000 điểm ngay trong năm nay và vượt ngưỡng 1.200 điểm trước khi hết quý 2 năm 2018.

Theo ông Trí, nếu không có gì thay đổi thì dự báo này hoàn toàn có thể xảy ra. Năm 2017 được xem là sôi động nhất trong thập kỷ qua thì năm 2018 có thể chứng kiến những kỷ lục mới. Kỷ lục sẽ đến trước khi hết quý 2, thậm chí lạc quan có thể ngay trong quý 1.

{keywords}
TTCK đã có doanh nghiệp vượt mốc vốn hóa 10 tỷ USD, giao dịch trên thị trường có phiên đạt 1 tỷ USD (ảnh Minh Dũng)

Theo nhiều chuyên gia, TTCK tăng điểm mạnh trong thời gian qua nhờ rất nhiều yếu tố. Đó là sự khởi sắc của nền kinh tế với GDP tăng tốc trở lại với 7,46% trong quý 3 khiến kỳ vọng tăng trưởng 6,7% cho cả năm sáng sủa, môi trường kinh doanh cải thiện, lực đẩy của dòng vốn ngoại, chứng khoán phải sinh, tác động tích cực của thoái vốn nhà nước, rồi kết quả APEC 2017 tại Việt Nam,...

Dòng vốn ngoại rất đáng chú ý. Riêng trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng đột iến hơn 11,2 ngàn tỷ đồng. Tính từ đầu năm, các NĐT nước ngoài đã mua ròng khoảng 26 ngàn tỷ đồng. Tổng vốn ngoại trên TTCK đạt khoảng 28 tỷ USD (trong tổng cộng khoảng 125 tỷ USD trên thị trường).

Trên thực tế, kế hoạch thoái vốn Nhà nước và sự ra đời của chứng khoán phái sinh (lấy VN30 làm cơ sở và tỷ lệ margin cao) có thể đã có những tác động mạnh tới dòng tiền đổ vào các cổ phiếu trụ cột trên sàn. Tuy nhiên, sức hút của TTCK nói chung là rất lớn. Thị trường vẫn được đánh giá khá tích cực.

Ông Lê Quang Trí cho rằng, TTCK đang tăng trưởng ổn định. Các cổ phiếu trụ cột đng tạo mặt bằng giá mới sau 1 giai đoạn tích lũy dài. Còn nếu loại trừ nhóm VN30, về cơ bản P/E của thị trường vẫn còn thấp.

Trong thời gian tới, theo ông Trí, nhiều khả năng nhóm VN30 sẽ phân hóa lại nhưng nhìn chung về cơ bản vẫn sẽ ổn định, không có biến động lớn bởi triển vọng của nhiều doanh nghiệp vẫn khá tốt, nhất là nhóm bán lẻ, xây dựng, bất động sản, hàng không...

Một điểm khác biệt với đợt sốt nóng cách đây 10 năm là: dòng tiền vào thị trường ở thời điểm hiện tại là tiền thật, margin toàn thị trường không cao. Dòng tiền vào ổn định, đặc biệt là dòng tiền mới từ các NĐT trong nước và nước ngoài. Số lượng tài khoản mở mới tăng nhiều. Số lượng NĐT mới tăng khoảng 25% so với năm trước.

Hơn thế, theo ông Trí, các NĐT bây giờ có kiến thức về chứng khoán và khả năng kiểm soát tâm lý khi đầu tư tốt hơn nhiều so với trước đây. Các CTCK cũng có trình độ quản trị tốt hơn nhiều so với trước kia.

Theo CTCK HSC, TTCK đang ở trong một tình trạng khá đặc biệt trước niềm tin mạnh mẽ là các sự kiện IPO, niêm yết và phát hành của các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp tốt nhất thị trường tiếp tục thu hút được NĐT ngoại và những NĐT này sẵn sàng trả giá mua cao hơn so với mặt bằng giá hiện tại. Và nếu điều này còn xảy ra, thị trường còn tiếp tục đi lên.

M. Hà