Thêm một phiên lao dốc sâu

Lần thứ 4 trong vòng hơn 1 tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ lại bị ngắt mạch, tạm dừng giao dịch và đóng cửa 15 phút sau khi chứng khoán giảm hơn 7% và xuống đáy mới. Giới đầu tư lo ngại về những thiệt hại kinh tế từ đại dịch này.

Tuy nhiên, tới cuối phiên thị trường hồi phục đôi chút sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19 và chỉ đợi Tổng thống Donald Trump ký thông qua.

Chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm gần 1.340 điểm (tương đương giảm 6,3%) lần đầu tiên kể từ đầu 2017 xuống dưới ngưỡng 20 ngàn điểm. Trong phiên có lúc chỉ số này giảm hơn 2.300 điểm.

Chỉ số này đã giảm hơn 32% chỉ trong vòng hơn 1 tháng, kể tử đỉnh cao trên 29.400 điểm ghi nhận hôm 14/2/2020.

{keywords}
Lần đầu tiên kể từ đầu 2017, chỉ số công nghiệp Dow Jones xuống dưới ngưỡng 20.000 điểm.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 của Mỹ cũng giảm 5,2% xuống 2.398 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 4,7% xuống còn 6.990%. Như vậy, tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm trên 20% so với đỉnh cao khoảng một tháng trước đây và đều rơi vào một thị trường giá xuống (bear market).

Các thị trường tài chính và hàng hóa thế giới chao đảo. Dầu thô giảm giá tệ hại, mất 18% trong chỉ một phiên xuống dưới ngưỡng 24 USD/thùng. Vàng tăng mạnh rồi sụt nhanh và hiện xuống dưới ngưỡng 1.500 USD/ounce.

Tuy nhiên, một tín hiệu tương đối tích cực khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thống qua kế hoạch cứu trợ thứ 2 chống lại dịch Covid-19.

Theo dự luật trị giá 104 tỷ USD này, nước Mỹ sẽ hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Bên cạnh đó, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm.

{keywords}
Các mức giảm khiến chứng khoán Mỹ ngắt mạch tự động. Trong hơn 1 tuần qua, chứng khoán Mỹ ngắt mạch 4 lần.

Đây là gói hỗ trợ thứ hai được Quốc hội Mỹ và là dự luật được ông Trump ủng hộ.

Dù vậy, mức hồi phục của chứng khoán Mỹ vẫn khá khiêm tốn. Các chuyên gia đang chờ các gói hỗ trợ tiếp theo. Hiện, các Thượng nghị sĩ Mỹ đang tiếp tục thảo luận về gói hỗ trợ thứ ba với dự kiến sẽ thông qua vào tuần tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực việc làm và các gia đình, trong đó có khoản tiền mặt phát cho người dân Mỹ.

Theo CNBC, Nhà Trắng cũng đang cân nhắc một gói kích thích tài chính trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ trực tiếp người Mỹ, cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và ngành hàng không. Các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể được hoãn các khoản thuế lên tới 10 triệu USD, trong khi các cá nhân là khoảng 1 triệu USD cho Sở Thuế vụ.

Theo Dow Jones, Bộ Tài chính Mỹ đang đề xuất 2 vòng thanh toán trực tiếp cho người dân, với tổng trị giá 250 tỷ USD, dự kiến bắt đầu từ 6/4.

Trước đó, cũng theo CNBC, Bộ Trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể lên tới 20% nếu Quốc hội nước này không thông qua gói kích thích 1 ngàn tỷ USD mà ông đề xuất.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ chứng kiến chuỗi biến động chưa từng có trong lịch sử.

Thế giới đồng loạt hỗ trợ

Cho dù chính quyền và quốc hội Mỹ liên tiếp thông qua các gói hỗ trợ và trước đó Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ có 2 đợt nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay, đưa lãi suất về sát 0%, nhưng nỗi lo trên các thị trường tài chính vẫn rất lớn.

Trên CNBC, nhiều nhà đầu tư lo ngại chính quyền ông Trump liệu có đang hành động đủ để đối phó với dịch bệnh hay không. Tỷ phú Bill Ackman cho biết biện pháp khắc phục tốt nhất đối với đà lao dốc của thị trường và dịch bệnh ở Mỹ là Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng cửa quốc gia.

Cho tới thời điểm này, Mỹ đã tạm thời đóng cửa biên giới với Canada và kích hoạt các cơ chế để tăng cường tăng cường sản xuất những vật tư y tế thiếu hụt, nâng cao năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2…

Tính tới 18/3, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt ngưỡng 200.000, hơn 8.000 người tử vong. Con số ca nhiễm đã tăng gấp đôi sau 11 ngày. Tại Mỹ, số ca nhiễm vượt 6,5 ngàn người, trong đó tử vong vượt mốc 100.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ dự báo rất lớn, có thể nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008. Nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong thời gian tới.

Philippines hôm 17/3 trở thành nước đầu tiên đóng cửa thị trường chứng khoán và trái phiếu… vì Covid-19. Việc Philippines đóng cửa TTCK làm dấy lên khả năng các nước khác cũng nối gót theo.

{keywords}
Thế giới ồ ạt đưa ra biện pháp cứu kinh tế.

Đêm qua (giờ Việt Nam), Sở GDCK New York của Mỹ thông báo cho biết sẽ tạm thời đóng cửa sàn giao dịch kể từ 23/3 tới và chuyển toàn bộ sang giao dịch trực tuyến. Động thái này xảy ra sau khi có 2 người xét nghiêm dương tính với SARS-CoV-2. Đây là lần đầu tiên sàn giao dịch vật lý này bị đóng cửa, trong khi sàn điện tử vẫn hoạt động.

Trong tuần trước, Tập đoàn CME đã đóng cửa sàn giao dịch tại thành phố Chicago của Mỹ nhằm giảm thiểu tụ tập đông người. Một số TTCK ở Trung Đông cũng triển khai các biện pháp tương tự, mặc dù giao dịch điện tử vẫn hoạt động.

Các nước trên thế giới đang dồn dập đưa ra các kế hoạch giải cứu kinh tế. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua đã thông qua một gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro (tương đương 821 tỷ USD) nhằm mua các loại chứng khoán để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Globe and Mail, Canada cũng sắp công bố gói hỗ trợ khẩn cấp khoảng 30 tỷ CAD (hơn 21 tỷ USD) để ứng phó dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu bị ngắt quãng ở một vài nơi. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nơi có nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu nhất.

M. Hà