Hãng tin CNN dẫn lời ông Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên NATO được tổ chức ở Bucharest, Romania hôm nay (29/11) nói rằng, khối quân sự này “sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine lâu nhất có thể”.

“Mối quan hệ của chúng tôi là quan hệ đối tác gần gũi, khi các quốc gia đồng minh thuộc khối quân sự NATO đã chứng minh sự quyết tâm của họ trong việc ủng hộ Ukraine theo cách thức chưa từng có tiền lệ. Điểm trọng tâm hiện nay là sự ủng hộ dành cho Ukraine, và cách thức duy nhất để mọi thứ phù hợp cho một cuộc đàm phán là Kiev phải giành lợi thế trên chiến trường”,  ông Stoltenberg nói. 

Ông Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ở Bucharest, Romania. Ảnh: Nato.int

Theo ông Stoltenberg, những lợi thế gần đây quân đội Ukraine giành được trên chiến trường có một phần đóng góp quan trọng tới từ sự hỗ trợ của các đối tác trong khối NATO.

“Dù vậy, tôi cần khẳng định mục đích của sự hỗ trợ trên là nhằm mang lại khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy. NATO không kích động xung đột, thay vào đó chúng ta ngăn chặn nó và gìn giữ nền hòa bình”, Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh.

Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm nay cảnh báo rằng các quốc gia trong khối NATO cần tăng cường việc sản xuất khí tài để hỗ trợ Kiev, nếu không Nga sẽ giành được nhiều lợi thế trong cuộc xung đột. 

“Chúng ta cần phải nghĩ về những cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai. Nếu vũ khí không được sản xuất thêm, thì Ukraine sẽ không thể giành được chiến thắng. Mọi việc chỉ đơn giản như vậy”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Kuleba nói. 

Ukraine đối mặt tình trạng thâm hụt điện ở mức cao

Hãng tin Al Jazeera dẫn thông cáo của Ukrenergo, nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine, viết rằng mức thâm hụt điện ở nước này vẫn khá lớn.

“Tính tới 11h trưa 29/11 (giờ Kiev), các nhà sản xuất điện đã cung cấp 70% lượng điện tiêu thụ ở Ukraine. Mức thâm hụt điện ở Ukraine hiện tại là 30%. Chúng tôi cần nhấn mạnh rằng, mức thâm hụt cao như vậy là hậu quả của bảy đợt tập kích bằng tên lửa của Nga nhằm vào hệ thống hạ tầng năng lượng Ukraine”, thông cáo của Ukrenergo viết.

Theo Al Jazeera, quân đội Nga kể từ đầu tháng Mười tới nay đã thực hiện nhiều vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào hệ thống cơ sở năng lượng của Ukraine, để trả đũa việc chính quyền Kiev bị tình nghi đứng đằng sau vụ đánh sập một phần cây cầu Crưm dẫn qua Eo biển Kerch xảy ra hôm 8/10.