“Trong ba binh sĩ này, có hai người bị thương nặng và đang trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đang cố gắng cứu chữa cho họ. Theo thông tin tôi nhận được, còn 12 lính đặc nhiệm Ukraine đang giao tranh với các binh sĩ Nga”, ông Vladimir Rogov, một quan chức của chính quyền tỉnh Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, nói với hãng tin RT đêm 1/9.
Thông cáo trước đó của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, có tới 60 binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine, được chia làm hai hướng, đã vượt sông Dnipro bằng xuồng cao tốc vào 6h sáng ngày 1/9 để tiếp cận và tái chiếm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
“Một số binh sĩ Ukraine đã không thể cập vào bờ phía nam sông Dnipro khi xuồng của họ bị trúng đạn và chìm. Một số biện pháp quân sự đã được chúng tôi thực hiện nhằm chống lại các binh sĩ đối phương, bao gồm cả việc triển khai nhiều máy bay trực thăng tấn công tới hỗ trợ lực lượng vũ trang Nga đang đồn trú bên trong nhà máy”, thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Tới nay, giới chức Ukraine chưa đưa ra phản hồi về thông tin ba lính đặc nhiệm nước này bị quân Nga bắt giữ.
Theo RT, vụ đột kích trên diễn ra chỉ vài giờ trước khi các thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới nhà máy Zaporizhzhia để kiểm tra quy trình hoạt động tại đó, cũng như những thiệt hại do chiến sự gây ra cho nơi này.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cùng ngày cho biết lực lượng an ninh nước này không thể đảm bảo an toàn cho các thanh sát viên IAEA khi tới nhà máy Zaporizhzhia.
“Tình hình xung quanh nhà máy, nơi mà quân đội Nga kiểm soát, vẫn như ‘một mớ hỗn độn’. Tôi từng cảnh báo Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi rằng vấn đề an ninh sẽ là trách nhiệm riêng của họ. Dù vậy, ông Grossi có vẻ tự tin trước các nguy cơ và tuyên bố IAEA đã đạt được một số thỏa thuận an ninh với phía Nga”, ông Halushchenko nói với trang tin The Guardian.
IAEA thu thập được nhiều dữ liệu từ nhà máy Zaporizhzhia
“Các thanh sát viên của chúng tôi đã thu thập nhiều thông tin chỉ trong vài tiếng đồng hồ có mặt ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tôi đã được chứng kiến những thứ quan trọng mà bản thân mình cần. Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng quan trọng nhất là chúng tôi đang thiết lập sự hiện diện của IAEA tại đó”, hãng tin CNN dẫn lời của Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nói.
Theo CNN, ông Grossi cùng bốn chiếc xe chở các thanh sát viên IAEA ngay trong chiều 1/9 (giờ Ukraine) đã rời khỏi khu vực nhà máy Zaporizhzhia.
CNN nhận định, chính quyền Nga thời gian gần đây nhiều lần đưa ra cáo buộc các lực lượng Ukraine sử dụng pháo và máy bay không người lái tấn công nhà máy Zaporizhzhia, đồng thời cảnh báo những đòn tấn công như vậy có thể gây ra một thảm họa hạt nhân như vụ Chernobyl năm 1986.
Trong khi đó, Ukraine lại cáo buộc Moscow biến nhà máy điện hạt nhân này thành căn cứ quân sự, tự nã pháo vào nhà máy rồi đổ tội cho Kiev.
Pháp tăng cường hỗ trợ cho Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 1/9 cho biết, nước này sẽ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ về nhân đạo, kinh tế và quân sự cho Ukraine, cũng như tăng cường hơn nữa sự đoàn kết đối với toàn thể châu Âu.
“Chúng ta không thể để Nga chiếm ưu thế trên chiến trường. Mục tiêu của tôi là nhằm giúp Ukraine giành được thắng lợi quân sự hoặc đạt được ưu thế trong việc đàm phán hòa bình. Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống chiến sự sẽ kéo dài”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Macron nói.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, chính quyền nước này ủng hộ mạnh mẽ việc các thanh sát viên IAEA hôm 1/9 đã tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia để đánh giá tình hình tại đó. “Tôi có thể sẽ điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin sau khi nhiệm vụ của thanh sát viên IAEA tại nhà máy Zaporizhzhia kết thúc”, ông Macron nói thêm.