“Vụ tấn công nhà ga Chaplyne thuộc tỉnh Dnipropetrovsk bằng tên lửa đạn đạo Iskander đã khiến 200 binh sĩ dự bị của lực lượng vũ trang Ukraine thiệt mạng và 10 trang thiết bị quân sự bị phá hủy”, trang tin Wionews dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói. 

Hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Lực lượng vũ trang Ukraine/ Telegram

“Đoàn tàu quân sự bị phá hủy đang trên đường tới các khu vực giao tranh ở vùng Donbass, nơi chúng tôi đang cố kiểm soát hoàn toàn”, ông Konashenkov nói thêm. 

Trước đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ga tàu Chaplyne ở tỉnh Dnipropetrovsk của nước này đã bị quân đội Nga tấn công vào ngày 24/8, khiến cho ít nhất 25 người thiệt mạng.

“Tôi đã nhận được thông tin về vụ tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào ga tàu ở một thị trấn thuộc tỉnh Dnipropetrovsk. Đã có ít nhất 25 người chết và hơn 50 người bị thương. Đây là nỗi đau của chúng ta trong hôm nay. Có bốn toa tàu bị bốc cháy, các ngành chức năng đang tiến hành công tác cứu hộ ở đó. Buồn thay, số người thiệt mạng có thể sẽ tiếp tục tăng lên”, trang President.gov.ua dẫn lời ông Zelensky phát biểu đêm 24/8.

Ankara hội đàm với giới chức Bắc Âu

Hãng tin Al Jazeera cho biết, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ gặp mặt những người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển tại một địa điểm bí mật ở Phần Lan trong hôm nay (26/8) để “thảo luận về các lo ngại an ninh mà chính quyền Ankara coi là điều kiện tiên quyết để chấp thuận Stockholm và Helsinki gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Theo Al Jazeera, Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng Năm đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, nhằm ứng phó với việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Động thái được coi là sự thay đổi lớn nhất trong an ninh châu Âu suốt nhiều thập kỷ, khi hai quốc gia Bắc Âu trung lập tìm kiếm sự bảo vệ của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. 

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng phản đối, vì cho rằng hai nước Bắc Âu chứa chấp các đối tượng có liên quan tới các nhóm vũ trang chống Ankara và những nhân vật ủng hộ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính nhằm lật đổ ông Erdogan hồi năm 2016.

Thế bế tắc sau đó đã được giải tỏa sau khi 3 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan ký một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng Sáu, khi Ankara tuyên bố sẽ chấm dứt việc phản đối NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển để đổi lấy những cam kết chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí từ Helsinki và Stockholm.