Trong khi Nga và Trung Quốc thường chúc mừng nhau vì tình bằng hữu sâu đậm, các tham vọng và lợi ích của họ dường như không tương đồng, trừ một lợi ích chung là chứng kiến sức mạnh Mỹ bị kiềm chế. Tại sao vậy?
Nước Nga nhiều bè nhưng thiếu bạn
Đây là lý do lớn: ý định của Trung Quốc xây dựng một “con đường tơ lụa” nếu thành công sẽ mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn khu vực Trung Á. Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực mà Nga vẫn coi là “sân sau” của mình, nơi trước đây là không gian Xô Viết thân thuộc với Moscow cũng như đối với toàn thể nhân dân Nga.
Ảnh minh họa: nuocnga.net |
Chậm nhưng chắc, một đường cao tốc bốn làn đang được xây dựng trên khu vực thảo nguyên Trung Á mênh mông thưa thớt người. Những chiếc ô tô, xe tải từ thời Liên Xô, những chiếc xe buýt cũ rích nối đuôi nhau đi qua những chiếc xe ủi đất hiện đại màu vàng, những cần trục và máy khoan cao ngất đang hoạt động dưới sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc để xây dựng một con đường mà một ngày có thể trải dài từ Đông Á tới Tây Âu.
Trước đây, các đường ống dẫn dầu và khí đốt, cũng như các trục đường bộ và đường sắt chính đều hướng thẳng về phía Bắc, tới trái tim Liên Xô cũ. Ngày nay, tất cả các kết nối này đều hướng về Trung Quốc. Nơi từng là “sân sau” của Nga này đang dần dần trở thành “nô lệ” của Trung Quốc.
Đây không phải là vấn đề lớn duy nhất mà hai cường quốc này bất đồng. Có lẽ vấn đề lớn nhất là: Trung Quốc thích dầu giá giảm, trong khi Nga tất nhiên muốn giá dầu tăng cao. Chuyện này giống y như trong thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, khi đó Trung Quốc và Nga lẽ ra có thể là đồng minh cứng trên mặt trận tư tưởng, nhưng họ lại chỉ “ôm nhau” khi cần thiết.
Vấn đề là chính sách đối đầu với phương Tây của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện nay đẩy ông vào một cuộc đấu tranh địa chính trị hai chiến tuyến mà ông và nước Nga khó thắng: Điện Kremlin bị phương Tây “ghẻ lạnh” trong khi phải đối mặt với một Trung Quốc đang cố mở rộng tầm ảnh hưởng tới phía Đông và Nam của mình./.
Linh Thảo