Nếu chỉ dừng lại ở mức trầm trồ và thán phục, có lẽ 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ vẫn còn ngạc nhiên trước người Nhật hệt như tiền nhân từ hơn một thế kỷ trước.

Xem lại Phần 1: Trật tự kinh ngạc trong thảm họa: Không phải vì người Nhật ‘tốt’

Nền tảng giáo dục 

phần trước, tôi đã bàn về lý do thứ nhất khiến người Nhật có thể bình tĩnh, trật tự ngay cả trong thảm họa. Lý do thứ hai, theo tôi là sự tự giác và trưởng thành của người dân có được nhờ nền tảng xã hội vững mạnh và giáo dục.  

Hành động của con người muốn đạt được hiệu quả và ổn định ngay cả trong tình huống khẩn cấp thì phải dựa trên các giá trị quan được định hình vững chắc và các thói quen được lặp đi lặp lại. Kể từ năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và công cuộc cải cách giáo dục bắt đầu, những giá trị quan có tính nhân văn, phổ quát như hòa bình, dân chủ, coi trọng con người đã trở thành các giá trị trung tâm của giáo dục Nhật Bản.  

Dựa trên nền tảng ấy, giáo dục học sinh thành người công dân có tinh thần hợp tác, thói quen sinh hoạt văn minh, khoa học được tiến hành thông qua các môn giáo khoa và các sinh hoạt trường học phong phú khác. Hoạt động tự trị của các câu lạc bộ của học sinh trong trường học, nơi đề cao vai trò tự chủ của học sinh cũng có vai trò rất quan trọng.  

Vì thế những thói quen như xếp hàng, giữ vệ sinh chung, tôn trọng sở hữu của người khác, chú ý tới an toàn, ứng phó với sự cố khẩn cấp như thiên tai… được giáo dục ngay từ khi trẻ mới vào nhà trẻ hoặc trường mầm non. Giáo dục gia đình và các sinh hoạt xã hội khác cũng chia sẻ và hỗ trợ nhà trường.  

Nhờ thế, những sự “phi thường” mà người nước ngoài ngưỡng mộ đã trở thành nếp sinh hoạt rất bình thường ở Nhật. Những người đi lệch khỏi “thường thức” ấy, chẳng hạn chen ngang, xô đẩy…, sẽ phải nhận sự trừng phạt của dư luận hoặc pháp luật.   

{keywords}{keywords}

Người Nhật xếp hàng nhận cơm nắm sau thảm họa động đất vừa qua. Ảnh: AP

Câu chuyện 100 năm trước 

Sự thán phục của người Việt trước hành động ứng phó thiên tai của người Nhật tự nhiên làm tôi nhớ đến sự kinh ngạc của Phan Bội Châu hơn 100 năm trước trên đất Nhật.

Ngày đó, vào khoảng cuối năm 1905, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ tới Tokyo để tìm một du học sinh người Trung Quốc. Người phu xe chở hai cụ đã kéo xe đưa họ tới Chấn Võ học hiệu hỏi thăm nhưng không thấy. Người phu xe liền bảo hai cụ chờ để đi tìm hộ và cuối ngày đã trở lại và giúp tìm được du học sinh kia.  

Khi hỏi tiền công người phu xe đáp “Hai hào năm xu”, cụ Phan Bội Châu đưa một đồng bạc tỏ ý đền ơn. Chẳng ngờ người phu xe nổi giận mắng “Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ nhà ga Tokyo đến nhà trọ này, giá xe chỉ có ngần ấy. Vả lại các người là ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật mà đến đây; Vậy ta nên hoan nghênh các vị, chứ không phải hoan nghênh tiền bạc đâu. Bây giờ, các người cho tôi tiền xe vượt quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó!”. Hai ông vừa cảm phục người phu xe vừa ngẫm tới chuyện nước mình mà thêm tủi[1].  

Đó là câu chuyện hơn 100 năm trước. Thật ngẫu nhiên cách đây hai ngày, chúng tôi cũng gặp một chuyện đáng kinh ngạc khác.  

Nhân dịp nhà nghiên cứu Trần Quang Đức tới Kyoto, tôi liền dẫn tới thành phố Nara thăm chùa Todaiji (Đông đại tự). Xuống ga Nara đi bộ một hồi thì ông bạn tôi chợt nhớ ra đã bỏ quên điện thoại ở trên tàu. Tôi gọi điện tới nhà ga cung cấp các thông tin để nhờ tìm giúp.  

Đúng mùa du lịch, tàu đông tấp nập nên tôi cũng đâm lo. Nhưng thật kì diệu, ngày hôm sau khi tôi tới trung tâm thông tin hành lý bỏ quên ở nhà ga Kyoto, nhân viên thông báo nhà ga cách đó 20 ga đang giữ một chiếc điện thoại giống như tôi mô tả. Chúng tôi đã nhận lại chiếc điện thoại nguyên vẹn.  

Một nữ du học sinh người Việt ở trường tôi cũng từng nhận lại chiếc Iphone 6 được gửi về đến tận nhà sau khi đã bỏ quên trong nhà vệ sinh ở một nhà ga của thành phố Sendai, cách chỗ chúng tôi khá xa.  

Ngạc nhiên rồi… để đấy? 

Những câu chuyện về người Nhật khiến người Việt ngạc nhiên sẽ còn dài nữa. Nhưng sau khi ngạc nhiên, thán phục rồi sẽ làm gì? Chúng ta sẽ chỉ trầm trồ, đem những chuyện ấy lên Facebook, quán nước hay bàn làm việc để bình luận, giết thời gian hay sẽ nhìn lại bản thân, nhìn ra xung quanh để tư duy và hành động?  

Ở góc độ vĩ mô, có bao nhiêu người sẽ suy ngẫm tới chuyện làm thế nào để kiến tạo nên xã hội ngày một tốt đẹp hơn? Ở góc độ vi mô, sẽ có bao nhiêu người sẵn sàng tách khỏi đám đông để hành động theo những giá trị phổ quát và thói quen văn minh? Có bao nhiêu phụ huynh sẵn sàng dạy con học theo những thói quen văn minh, thay vì nhồi vào đầu con tư duy thiển cận về sự thiệt hơn như thường thấy?  

Nếu chỉ dừng lại ở mức trầm trồ và thán phục, có lẽ 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ vẫn còn ngạc nhiên trước người Nhật hệt như cụ Phan Bội Châu và cụ Tăng Bạt Hổ hơn một thế kỷ trước.

Nguyễn Quốc Vương

-------

[1] Câu chuyện được Phan Bội Châu thuật lại trong tác phẩm “Tự phán”.