Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, còn nhiều lúng túng khi dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, hành lang tăng trưởng…
Với lĩnh vực công nghiệp, ông Trần Hoàng Ngân phân tích, quy hoạch chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào. Nhiều ngành công nghiệp như chế biến, chế tạo, nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh… được đưa ra nhưng không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.
Ông Ngân đặt vấn đề quy hoạch “treo” cần được đưa ra. Ông cho rằng xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân.
“Đang là quy hoạch và ý tưởng, cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Ai cũng lo lắng sẽ dính quy hoạch nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân”, ông Ngân nói.
Để thực hiện quy hoạch cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện. ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định, mặc dù Việt Nam học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực. “Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo ông, do nguồn lực đầu tư công có hạn, nên thay vì dàn trải như trước đây cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Bên cạnh đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực trong xã hội…
Nhắc tới việc sân vận động Mỹ Đình xuống cấp, ông Ngân cho rằng nếu áp dụng đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này sẽ hiệu quả hơn. Tuy vậy, cơ chế hiện nay chưa cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực thể thao văn hóa nên cần áp dụng cơ chế này để khai thác nguồn lực hiệu quả hơn.
Cũng tại đoàn TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, quy hoạch là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch, những nhiệm kỳ Chính phủ trước đã bàn nhiều nhưng chưa thông qua được, sau đó với quyết tâm lớn, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua vào năm 2019.
Trên cơ sở Luật Quy hoạch mới có thể làm quy hoạch tổng thể quốc gia. Chủ tịch nước đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của Luật Quy hoạch. Chủ tịch nước cũng nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Chủ tịch nước phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài, trong một thế giới luôn biến đổi cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo.
“Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn, là yếu tố quyết định cho sự phát triển nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng cho rằng đi liền với KHCN phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch, Chủ tịch nước khẳng định: "Đây giải pháp then chốt". Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để đi tắt đón đầu. Việt Nam phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng mới thực hiện được các chiến lược, kịch bản tăng trưởng.
Nói về biến đổi khí hậu khi nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn, Chủ tịch nước phân tích, khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư thì phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, phải tìm kiếm thị trường mới để mở ra không gian phát triển. Chủ tịch nước đề xuất phải có những hành lang mới, trong đó có hành lang kinh tế Đông Tây. Với các nước trong khu vực như Campuchia kết nối với Mộc Bài với TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu hay giữa Myanmar – Thái Lan – Lào - Việt Nam ra tới Biển Đông, Chủ tịch nước khẳng định, đây là những hành lang xuyên tâm, một khu vực đầy năng động nên cần đặt vấn đề này rõ hơn trong phát triển và định hướng chung, nhất là với TP.HCM.
Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao. Trước đó, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng theo hai mức cao và thấp.
Với kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD. Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5-7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000-32.000 USD.
Theo Chủ tịch nước, chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.