- “Không thể vội vã cầm đèn chạy trước ô tô, nhưng cũng không thể thờ ơ, lãnh cảm với xã hội…”
Ca sĩ Ái Vân đã đoạt giải thưởng quốc tế nào?
Nhiếp ảnh lép vế tại giải thưởng Nhà nước
Vì sao ít tác phẩm múa xét Giải thưởng Nhà nước?
Phim truyền hình thất sủng ở Giải thưởng Nhà nước
Thành tích có một, sao lắm giải thưởng thế?
Giải thưởng nghệ thuật thừa thãi scandal
Ai xứng với giải thưởng nghệ thuật cao quý?
Nghệ thuật cần những trái tim lớn
Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử
Quá nhiều bức xúc, quá nhiều kiện cáo quanh các giải thưởng và hoạt động nghệ thuật. VietNamNet trao đổi với nhạc sĩ Doãn Nho về chủ đề: Người sáng tác nên lựa chọn cho mình tâm thế nào trong thời hiện đại.
Nhạc sĩ Doãn Nho bên cây đàn piano
Phóng viên: - Thưa nhạc sĩ, muốn thay đổi nhận thức về nghệ thuật của công chúng, theo ông, cần phải bắt đầu từ đâu?
Nhạc sĩ Doãn Nho: - Phải đồng bộ, từ các chính sách vĩ mô, đặc biệt là giáo dục ngay trong nhà trường. Nhưng không phải kiểu giáo dục áp đặt và trống rỗng như hiện tại.
Các cháu nhà tôi về kể là giờ học nhạc ở trường, thầy (cô) chỉ mở cái đàn organ lên, rồi mặc kệ cháu nào muốn gõ cho nó kêu thành tiếng gì thì kêu. Thi thoảng học được một bài hát. Rồi lại bắt các cháu học nhạc lý, chúng nó kêu chán đồ rê mi pha, kêu âm nhạc là khô khan. Lẽ ra, phải dành những thời gian đó để sinh hoạt nghệ thuật với trẻ, giới thiệu cho chúng biết đâu là Pop, đâu là Rock, đâu là Jazz, đâu là âm nhạc cổ điển, âm nhạc lãng mạn…
- Giới trẻ khi nào cũng nhận thức rất nhanh. Thiếu định hướng từ nhà trường và xã hội, đa phần người nghe nhạc phải tự định hướng cho mình. Giới trẻ có thể thiếu tiền mua vé nhưng những chương trình giao hưởng thính phòng được miễn phí vé hoặc giảm giá vé thì sinh viên thường đến nghe rất đông?
- Ngày xưa, thập niên 60 của thế kỷ trước, mỗi buổi hòa nhạc giao hưởng thính phòng, sinh viên đều đến ngồi chật khán phòng. Âm nhạc đích thực có công chúng chứ không phải không có. Nhưng từ lâu lắm rồi, do hệ thống tuyên truyền lý luận về âm nhạc quá kém khiến công chúng trở nên thiếu định hướng. Các nhà phê bình âm nhạc chỉ có thể làm những công trình nghiên cứu dành cho một đối tượng rất ít người đọc rồi lại xếp kho. Công chúng hiện nay bị xô đẩy bởi nền âm nhạc trên báo và các phương tiện truyền thông mà trong đó rất ít người hiểu biết về âm nhạc đích thực, chỉ nghe được ca khúc nên cũng không thể tuyên truyền được.
Ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, giao hưởng thính phòng đã thu được những thành tựu lớn ở phía Bắc. Sau đó thì phía Nam nở rộ nền nhạc nhẹ. Người nghe nhạc Việt gặp dòng nhạc này thì như được uống nước mát, thỏa mãn cơn khát giải trí, cho nên việc “uống ừng ực” như đất khô gặp mưa rào cũng không có gì là lạ. Nhạc nhẹ là nhu cầu tất yếu, đừng nên lên án nhạc nhẹ.
Chỉ tiếc là cái nhìn mang tính quy hoạch, thúc đẩy của cơ quan quản lý quá kém, lãnh đạo chưa có tầm khiến cho nghệ thuật đích thực càng lúc càng bị công chúng nhìn nhận sai hướng, nhiều lớp người lệch lạc về gu thẩm mỹ.
Bắt buộc phải có cả ba chân kiềng: Sáng tác – Lý Luận – Quần chúng. Khâu nào yếu cũng không được, góc nào hổng cũng không xong. Điều quan trọng tối cao là phải làm ra được cái gọi là nền âm nhạc Việt Nam. Điều này cực khó nhưng không thể không hướng tới.
- Nhìn lại tổng thể sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là soi chiếu từ góc nhìn hiện đại với nhiều lộn xộn, bức xúc, thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, phản ánh được nét đẹp cốt lõi của tâm hồn dân tộc, có thể thấy tâm và tầm của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng?
- Đúng thế, lãnh đạo đất nước nói chung và lãnh đạo văn hóa nói riêng. Cứ cho là một số lãnh đạo ngành văn hóa còn thiếu tầm văn hóa so với các lãnh đạo thời kỳ trước, nhưng nếu có tâm, chắc chắn họ sẽ tìm ra những sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Thêm nữa, ở đây, cần phải nói đến vai trò tư vấn của các ban ngành, hội chuyên môn. Với sự hiểu biết chuyên sâu trong nghề, tại sao họ không tư vấn cho lãnh đạo những quyết sách văn hóa đúng đắn?
Tấm gương của những người cộng sản đích thực trong và sau kháng chiến luôn trở thành những ngọn đuốc để quần chúng noi theo. Thời hiện đại, có thể thiếu những ngọn lửa đốt cháy rừng rực như thế, nhưng chắc chắn không thiếu những người tốt thầm lặng.
Tôi cho rằng tâm thế đúng để ứng xử với xã hội hiện đại là không thể vội vã cầm đèn chạy trước ô tô, nhưng cũng không thể thờ ơ, lãnh cảm với xã hội. Rơi vào tâm thế nào cũng hỏng cả.
Có niềm tin và có cố gắng thì kết quả tươi sáng sẽ đến. Tôi vẫn luôn tin rằng kiểu lãnh đạo không vì dân mà chỉ vì chiếc ghế của chính mình rồi sẽ đến ngày bị tận diệt. Và, với chức năng của một người nghệ sĩ, tôi cho rằng mình cứ làm, miệt mài và thầm lặng cống hiến bằng tâm huyết và công sức của mình. Nhiều người cùng như thế thì chắc chắn xã hội sẽ tốt lên.
Hòa Bình (thực hiện)