Động thái được cho là nhằm vào các công ty xuất khẩu thiết bị đúc chip sang Trung Quốc. Trước đó, Mỹ đã siết chặt những mặt hàng xuất sang đại lục sử dụng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Lĩnh vực bán dẫn đang trở thành điểm chia cắt toàn cầu. Theo Luật Ngoại hối và Kiểm soát Ngoại thương tại Nhật, xuất khẩu vũ khí và các mặt hàng dân sự có thể sử dụng cho mục đích quân sự, phải có giấy phép của chính phủ. Tokyo dự định sửa luật để bổ sung 23 mặt hàng vào danh mục kiểm soát xuất khẩu của mình.

Khoảng 10 công ty, trong đó có Tokyo Electron, Screen Holdings và Nikon, sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn chế mới này. Nhưng các quan chức Bộ Thương mại nhận định tác động là không đáng kể.

Theo đó, các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép xuất khẩu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp với từng loại mặt hàng cụ thể. Sắc lệnh sửa đổi dự kiến công bố chính thức vào tháng 5 và có hiệu lực từ tháng 7 tới.

23 mặt hàng bổ sung bao gồm các sản phẩm liên quan đến thiết bị sản xuất in thạch bản cực tím, máy khắc, thiết bị xếp lớp bộ nhớ trong 3 chiều. Đây là những loại máy móc cần thiết trong đúc chip logic hiệu năng cao tiên tiến với kích cỡ từ 10 đến 14 nanomet trở xuống.

“Các mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu không dành cho những khu vực thị trường lớn, do đó chúng tôi tin rằng hoạt động doanh nghiệp sẽ không bị tác động quá nhiều”, một quan chức cấp cao Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết.

Trước đó, vào tháng 10/2022, Washington đã đưa ra hạn chế, thực chất là lệnh cấm vận, yêu cầu các máy móc sử dụng cho đúc chip từ 14 - 16 nanomet trở xuống phải có giấy phép của Bộ Thương mại. Mỹ đã thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan cùng đưa ra biện pháp tương tự, dù quan chức Nhật Bản mô tả động thái của họ là “độc lập”.

Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, Liesje Schreinemacher, cho hay Hà Lan sẽ mở rộng các hạn chế xuất khẩu với chất bán dẫn sau mùa hè này. Nước này đã cấm xuất khẩu máy in thạch bản cực tím và sẽ mở rộng danh sách tới các loại máy kém tiên tiến hơn.

Hiện nay, 3 cái tên lớn nhất trên thị trường toàn cầu về thiết bị bán dẫn lần lượt thuộc về Mỹ (Applied Materials), Hà Lan (ASML) và Nhật Bản (Tokyo Electron). Việc Mỹ bắt tay Hà Lan và Nhật Bản càng làm chia rẽ sâu sắc giữa phương Tây và Bắc Kinh trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến.

Cuối năm 2022, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới, tuyên bố các hạn chế xuất khẩu của Mỹ với chất bán dẫn tiên tiến là không hợp lệ.

Theo Nikkei Asia