- Bộ trưởng Công thương, Công an và đặc biệt là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra nhiều lời hứa đáng kỳ vọng trước Quốc hội.

>> Điểm lại lời hứa của các bộ trưởng trước QH

Bộ trưởng Công thương: Chống độc quyền, nghiêm khắc với thủy điện, quản thương lái nước ngoài

Trước yêu cầu giảm độc quyền về điện và xăng, dầu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sáng 14/6 cho biết Chính phủ đã ban hành các lộ trình xóa bỏ vai trò độc quyền doanh nghiệp chứ không phải độc quyền nhà nước.

Với điện, từ 1/7/2012 chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện không phân biệt là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay của các ngành khác đều được tự do chào giá với Trung tâm điều độ điện lực quốc gia; đến 2014 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đến 2022 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh. Ông Hoàng khẳng định "nếu có điều kiện rút ngắn được phân khúc nào thì sẽ cố gắng".

Bộ cũng đã kiến nghị và Chính phủ đã quyết định tách khâu truyền tải và khâu phân phối khỏi khâu phát điện của EVN. Sẽ có 3 tổng công ty phát điện được thành lập độc lập tách khỏi EVN, chỉ chịu sự quản lý về mặt mô hình công ty mẹ, công ty con.

Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN cùng Bộ Công thương tới đây trong biểu giá điện sẽ phân biệt mức độ dùng điện của các hộ, tránh tình trạng tiêu thụ nhiều điện và lợi dụng giá điện thấp để thu lợi.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy HoàngẢnh: Minh Thăng

Với xăng, dầu, theo Bộ trưởng Hoàng, nếu tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị định 84 về đa dạng hóa các hình thức phân phối xăng dầu và các thành phần tham gia, thị trường xăng dầu sẽ là thị trường vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Ông Hoàng nhấn mạnh chưa cho phép nước ngoài tham gia lĩnh vực này.

Trước các hậu quả tiêu cực của việc phát triển thuỷ điện, ông Hoàng cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra phát hiện các công trình không khả thi để kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền. Các giải pháp đưa ra là rà soát quy hoạch và yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng và vận hành các dự án phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về phát điện, phòng lũ, cấp nước, thực hiện theo quy trình điều tiết hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các công trình thuỷ điện cũng sẽ phải nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ về "lấy 1ha rừng phải trồng trả lại 1ha rừng". Địa phương cùng các chủ đầu tư và Bộ Công thương phối hợp xác định quỹ đất trồng rừng, nếu không sẽ xem lại tính khả thi của dự án.

Các chủ đầu tư cũng sẽ phải làm đúng tinh thần cần đến đâu tính tới đó, không yêu cầu lớn hơn so với thực tế của dự án, đảm bảo người dân bị thu hồi đất, phải di dời có cuộc sống ở nơi tái định cư tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ.

Bộ trưởng Công thương cũng nhấn mạnh sẽ kiểm tra, phát hiện những sai sót về thiết kế, vận hành của các công trình, nếu sai sót đến mức không cho phép thì kiên quyết dừng công trình, bắt khắc phục triệt để mới cho vận hành trở lại.

Riêng với thủy điện Sông Tranh 2, ông Hoàng hứa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu bằng mọi biện pháp, nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng. Cho rằng đây là "sự cố hi hữu", ông Hoàng hứa sẽ "khắc phục bằng được".

Với yêu cầu kiểm định thuỷ điện và cắm mốc sông, mốc giới để quản lý bảo vệ, Bộ trưởng Công thương "cam kết và hứa" đến hết năm 2013, chậm nhất là đầu năm 2014 sẽ hoàn thành.

Với tình trạng thương lái nước ngoài lừa đảo nông dân, ông Hoàng cho biết Bộ Công thương đã kiểm tra, yêu cầu Sở Công thương các địa phương có tình trạng này rà soát lại, nếu phát hiện hành vi sai trái của thương nhân, thương lái nước ngoài kịp thời báo cáo UBND và Bộ Công thương để xử lý theo Luật Thương mại, tùy mức độ nghiêm trọng sẽ nhắc nhở, phạt, chấm dứt hợp đồng và yêu cầu đền bù thiệt hại.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho rằng phải bịt những "kẽ hở dễ bị lợi dụng" trong các quy định hiện hành. Ông Hoàng cũng kêu gọi doanh nghiệp trong nước, nhân dân và dư luận tham gia giám sát để kịp thời phát hiện các sai phạm.

Cùng với đó, trong khoảng cuối năm sẽ ký với Bộ Thương mại Trung Quốc và một thỏa thuận khung về việc phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Công an: Xử nghiêm tiêu cực trong CSGT

Cũng chuyện thương lái nước ngoài lừa đảo, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang chiều 14/6 hứa tăng cường chỉ đạo công an các địa phương phát hiện các đối tượng này để xử lý.

Với tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng cảnh sát, đặc biệt là cảnh sát giao thông, Bộ trưởng Quang khẳng định thái độ "xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm""đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì trước hết nội bộ công an phải trong sạch, vững mạnh".

Ông Quang kêu gọi cử tri ủng hộ quyết tâm này bằng cách cung cấp thông tin về cảnh sát giao thông tiêu cực, không dùng tiền, hàng hối lộ cũng như kiên quyết đấu tranh và tố cáo với cơ quan chức năng những cảnh sát giao thông vòi vĩnh và đòi hối lộ.

Đính chính rằng công an không tham gia cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất mà chỉ bảo đảm an ninh trật tự, chống những người gây mất an ninh trật tự, xử lý những người chống người thi hành công vụ, Bộ trưởng Quang cam kết "chỉ đạo lực lượng công an làm tốt hơn nhiệm vụ, rút kinh nghiệm để tránh sai sót không cần thiết".

Để xử lý các vi phạm về môi trường, Bộ trưởng Công an cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý. Ông Quang cũng đề nghị QH sửa quy định về xử phạt vi phạm hành chính để cảnh sát môi trường được phép phạt các vi phạm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trò chuyện với đại biểu giờ giải lao phiên chất vấn ngày 14/6. Ảnh: Minh Thăng

Phó Thủ tướng: Minh bạch về DNNN, cải cách lương

Với việc quản lý vốn và nhân sự ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 15/6 cam kết "sẽ có một chương trình quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới".

Cho biết Chính phủ đang nợ 7 nghị định về quản lý tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Phúc khẳng định "chậm nhất trong quý III sẽ ban hành đầy đủ hệ thống văn bản này" và sẽ công khai với nhân dân.

Ông Phúc cũng khẳng định "các tập đoàn, tổng công ty sẽ phải công khai, minh bạch, công bố thông tin để có sự giám sát tốt hơn, coi như là công ty lên sàn chứng khoán, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực".

Phó Thủ tướng cũng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức: rà lại văn bản pháp luật về tuyển dụng, đánh giá, thi cử; loại bỏ cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật và mất uy tín; quản lý công chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm; đổi mới cơ chế tiền lương; thanh tra công vụ thường xuyên, nghiêm túc...

Ông Phúc hứa Chính phủ sẽ xây dựng đề án cải cách tiền lương, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức để họ yên tâm đóng góp xây dựng đất nước.

PV

Toàn cảnh hai ngày rưỡi chất vấn: