Đồng loạt khảo sát, xây dựng tour tuyến

70 khách gồm đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch Quảng Ninh, 35-40 đơn vị lữ hành,... cuối tuần này sẽ có chuyến famtrip 3 ngày 2 đêm tới Bình Liêu (Quảng Ninh).

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism), chia sẻ, mục đích chuyến đi lần này nhằm phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với biên giới, miền núi. Khách sẽ được giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi 96% bà con ở đây là người Tày, Dao, Sán Chỉ,... hay tham gia thu hoạch củ dong, thử món phở xào Đồng Văn nổi tiếng, thăm các vùng dược liệu như hồi, quế, sở. Thú vị nhất chinh phục sống lưng khủng long, các cột mốc biên giới ở Bình Liêu trong cảnh lau nở trắng muốt.

Theo bà Ngần, nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm nên nơi đây rất có tiềm năng để phát triển du lịch chữa lành, phục hồi sức khỏe.

{keywords}
Các đơn vị lữ hành trong chuyến khảo sát Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hòa Bình (ảnh Linh Tâm)

Chuyến đi này là thử nghiệm để tuần tới, Hanoi Tourism có đoàn khách đầu tiên đến Bình Liêu đúng dịp lễ khai hội mùa vàng, cơm mới tại đây. Tuy nhiên, chương trình chỉ giới hạn 70 khách để đảm bảo an toàn.

Cũng cuối tuần này (từ 5-7/11), gần 100 đại biểu là lãnh đạo các Sở Du lịch, đơn vị lữ hành, khách sạn, đại lý tour, truyền thông cũng có chuyến famtrip caravan Lạng Sơn - Bắc Giang. Điểm nhấn của chương trình là trekking núi Phia Po, được coi là đỉnh “Everest của Lạng Sơn” còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, có sức hấp dẫn đặc biệt với các du khách ưa mạo hiểm,... và điểm đến tâm linh Tây Yên Tử (Bắc Giang). Chuyến đi nhằm khảo sát sản phẩm mới, kết nối lại các tour tuyến, sự hợp tác giữa các đơn vị lữ hành.

Trước đó, cuối tháng 10, một đoàn famtrip do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đã lên Hà Giang để khảo sát sản phẩm mới, khảo sát cung đường, chuẩn bị cho việc đưa khách từ Hà Nội đến với vùng đất hoa tam giác mạch.

Một đoàn DN khác đi Hòa Bình tham dự hội nghị kích cầu du lịch và khảo sát sản phẩm mới tại địa phương. Ngay sau đó, Hòa Bình sẽ tổ chức famtrip để các công ty lữ hành khảo sát “đặc sản” du lịch lòng hồ Sông Đà và du lịch cộng đồng để xây dựng các sản phẩm tour ngắn ngày.

Tới đây, rất nhiều địa phương khác ở phía Bắc như Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu,... cũng tổ chức các chương trình famtrip để giới thiệu sản phẩm du lịch cũng như các hoạt động kích cầu, ưu đãi.

Đại diện CLB lữ hành UNESCO Hà Nội cho hay, có tỉnh chưa bao giờ tổ chức farmtrip hoặc chỉ “ké” địa phương khác trong khu vực thì lần này cũng tổ chức sự kiện riêng. Điều đó chứng tỏ, lãnh đạo các địa phương đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung xây dựng chính sách, sản phẩm thu hút du khách.

Từng bước “phá băng”

Hanoi Tourism vừa khởi động đoàn khách 10 người đi “vùng xanh” Cao Bằng - Bắc Kạn thành công. Công ty lữ hành Hanoitourist cũng tổ chức tour nội thành và tour đi ngoại tỉnh (Bắc Giang) đầu tiên từ Hà Nội. Tới đây, trong kịch bản du lịch Thu Đông 2021, các công ty du lịch tiếp tục chào bán tour đi Đông - Tây Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Pù Luông (Thanh Hóa), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Mù Cang Chải,... hay Bình Liêu, Hạ Long (Quảng Ninh).

{keywords}
Khách du lịch chụp ảnh bên hoa tam giác mạch ở Hà Giang (ảnh minh họa)

Giám đốc một công ty du lịch có địa chỉ tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, DN vẫn bán voucher nghỉ đêm trên du thuyền Hạ Long, tuy phải ghép đoàn và khách chỉ có vào cuối tuần.

Một DN khác dự kiến tổ chức đoàn MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị) gồm 200 khách đi Quảng Ninh từ 19-21/11, theo hành trình khép kín.

Đây là những tín hiệu sáng, tuy còn hiếm hoi, trong bối cảnh du lịch vẫn chưa thoát khỏi tình trạng u ám do đại dịch Covid-19 gây ra. Lãnh đạo các công ty cho rằng,  họ bán tour chỉ lời 100.000-150.000 đồng/khách, đủ để duy trì văn phòng, hoặc bán giá gốc để kích cầu du lịch.

“Thời điểm này, chúng tôi xác định bỏ công, bỏ sức phá băng để du lịch hết ngủ đông, nhân viên không bỏ doanh nghiệp, đồng thời cũng là động thái khởi động kích cầu du lịch. Qua đó, DN rút kinh nghiệm để sau này tổ chức các đoàn khách lớn. Đây là tính nước đi đường dài”, bà Ngần nói.

Do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên lượng khách nội địa đi du lịch vẫn rất ít. Vị giám đốc trên dẫn chứng, với các tour Đông Bắc, Tây Bắc các năm trước, DN thường đón lượng khách du lịch lớn từ TP.HCM và phía Nam đi theo tour, song năm nay là không có. Khách Hà Nội thường tự đi, nhưng mới lác đác.

Chưa kể, nếu khách có mua tour, họ thường trả 50% giá dịch vụ, lữ hành ứng 50% để đặt cọc cho đối tác. Bất ngờ dịch bùng phát, khách hủy tour, lữ hành vừa phải lo trả tiền nếu khách đòi ngay, vừa bị kẹt 50% còn lại ở đối tác trong khi nguồn tiền vẫn cạn kiệt. 

Chính vì làm du lịch thời điểm này vừa rủi ro lớn, lại khó có lãi thậm chí thua lỗ, chi nhánh Hà Nội của một công ty lữ hành lớn ở TP.HCM chấp nhận ngủ đông hết năm nay. Tình trạng này là khá phổ biến với nhiều đơn vị lữ hành khác trong cả nước. 

Do đó, việc nỗ lực tổ chức tour của một số DN, vừa là để khảo sát cung đường, điểm đến; vừa góp phần khôi phục hoạt động, “phá băng” du lịch không chỉ trong nội tỉnh mà còn là cả ngoại tỉnh, tiến đến liên kết vùng.

Bà Nhữ Thị Ngần cho rằng từ nay đến cuối năm, khi chúng ta đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vắc xin, người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn. Song song đó, các cơ sở y tế không quá tải, khách có thể tự chữa bệnh tại nhà, hay có thuốc chữa bệnh, du lịch sẽ dần hồi phục. “Tôi nghĩ tới tháng 3-4/2022, du lịch nội địa sẽ tăng tốc trở lại. Sự phục hồi hiện có thể chậm nhưng không ‘chết đứng’ như năm 2021”, bà kỳ vọng.

Ngọc Hà

Lên Hà Giang, lo không qua nổi Tuyên Quang, sợ nửa đường hết hạn PCR

Lên Hà Giang, lo không qua nổi Tuyên Quang, sợ nửa đường hết hạn PCR

Mùa đẹp nhất trong năm tại các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đã đến, nhiều công ty du lịch cả phía Bắc, phía Nam muốn xây dựng tour đưa khách đi ngắm ruộng bậc thang mà “bó tay” vì đứt luồng di chuyển.