- "Tôi mong được ra lại Trường Sa lắm! Với những gì đã viết về Trường Sa thì cũng hy vọng có thể sẽ có được gì đó mới mẻ hơn để tặng những người lính biển đang gìn giữ tiền tiêu..." - nhạc sĩ Quỳnh Hợp.
NS Quỳnh Hợp: Tổ quốc lâm nguy lòng người sao bình lặng được!
"Trường Sa sau đêm bão tình ca" - dịu dàng nhưng mãnh liệt
Say sóng Trường Sa với nữ sinh cảnh sát xinh đẹp
Kì diệu chuyện tình đẹp nhất Trường Sa
1.000 người cùng hát về Trường Sa
Thơ "Góp đá xây Trường Sa"
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp là cây bút sáng tác rất sung sức, liên tục cho ra các album nhạc đa dạng, chủ đề, phong phú chất liệu. Gần đây, chị đã cho ra mắt một số số album về chủ đề Trường Sa như "Trường Sa giữa trùng khơi sóng", "Tổ quốc nhìn từ biển"., "Trường Sa sau đêm bão tình ca", "Hoa của đảo"... Phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quỳnh Hợp, "thí sinh" rất nhiệt tình của cuộc vận động sáng tác "Đây biển Việt Nam".
Viết về Trường Sa bằng cả hip hop, rap...
- Dù ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” nói riêng và album cùng tên nói
chung, đã được biết đến rộng rãi, được nhiều người tìm nghe, tải về,
chia sẻ cho nhau, trước khi phát hành, nhưng đến nay khi ra mắt chính
thức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, cảm
xúc của chị thế nào?
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: - Tôi rất vui. Đó không chỉ là niềm vui với thành quả
lao động của mình trong một thời gian dài miệt mài làm việc mà còn là gửi gắm ân
tình, sâu đậm cho đề tài biển đảo và người lính hải quân đang được cả nước quan
tâm hơn bao giờ hết. Tôi đã phải tập trung cao độ để hoàn thành đúng tiến độ.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Lê Văn Đạo trò chuyện dưới tán bàng vuông trên đảo Trường Sa lớn |
- Album có nhiều điểm độc đáo và ý nghĩa như có sự
tham gia của giọng ca Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo - Phó tư lệnh Quân chủng
Hải quân, các nhà báo trong đó có nhà báo đến từ báo Hải quân, các
ca sĩ nhí trong đó có giọng ca mang tên gợi nhớ biển cả đại dương là
bé Bào Ngư...
- Tất cả đều ngẫu nhiên như tình yêu mà tất cả mọi người đang dành cho biển đảo
và những người lính nơi đảo xa Tổ quốc. Phó tư lệnh Hải quân - Chuẩn đô đốc Lê
Văn Đạo là trưởng đoàn công tác ra thăm Trường Sa chuyến có tôi và nhạc sĩ
Nguyễn Hồng Sơn cùng hai nhà báo Thu Lan (VOV1) và Thu Hương (báo Hải quân Việt
Nam) vào tháng 5/2011 vừa qua.
Tiết mục nhóm chúng tôi thể hiện trong album tái hiện kỷ niệm đáng nhớ về bài
hát "Tạm biệt Trường Sa" được tôi và nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn viết ngay trên tàu
HQ996. Bài hát vừa viết xong, nhóm chúng tôi cũng được hình thành, thể hiện bài
hát đầu tiên phát sóng trực tiếp trên VOV1 từ tàu HQ996 đang neo ngoài khơi
chuẩn bị lên thăm đảo An Bang. Sự tham của bé Bào Ngư cũng là tình cờ. Khi phát
hiện bé Bào Ngư, con gái nhạc sĩ Yên Lam có giọng hát trong trẻo, chuẩn cao độ
và chắc nhịp, tôi đã viết tặng bé bài "Ba em là bộ đội hải quân".
- Những ca khúc truyền thống, về quê hương, biển đảo thường mang màu
sắc hùng tráng, trong sáng, với cách thể hiện giản dị, chân thực,
nhưng album này lại đa dạng về ngôn ngữ âm nhạc, vừa phong phú về chất
liệu âm nhạc với ballad, pop, dance và cả rock, hip hop, rap...
- Viết về đề tài truyền thống thì người ta nghĩ ngay rằng tính chất âm nhạc phải
hùng tráng, hành khúc... Những bài hát cùng một đề tài thì rất cần người viết
phải có sự tương phản về tính chất âm nhạc để tổng thể album hài hòa cuốn hút
người nghe. Những ca khúc trong album có độ tương phản cần thiết về tính chất âm
nhạc và phong cách riêng của tôi và nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn để làm nên một tuyển
nhạc truyền thống mà người nghe dễ dàng cảm nhận. Tôi nghĩ, các bạn trẻ cũng sẽ
thích ngay các ca khúc trẻ trung, rực lửa của rock như "Sóng Trường Sa", "Rock
đồng hồ cát" của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn.
Rất khó so sánh các tác phẩm nghệ thuật
- Chị đã hưởng ứng cuộc thi "Đây biển Việt Nam" do báo VietNamNet rất nhiệt
tình, với nhiều ca khúc, trong đó có bài đầu tiên chị gửi dự thi là "Trường Sa sau đêm bão tình ca" phổ thơ Trúc Chi...
Với Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 trước bia chủ quyền |
Bài thơ "Trường Sa sau đêm bão tình ca" của nhà thơ Trúc Chi mạch lạc, giàu hình ảnh và rất biểu cảm. Còn phần nhạc tôi gieo những nốt trong trẻo, phóng khoáng, cho thấy sự trong sáng, tinh khôi của đảo sau bão. Thiếu tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, nghe bài hát tôi gửi qua email đã hồi âm rằng: "Dẫu đàn guitar dở ẹc, cũng ráng tập bài này hát cho lính nghe".
- Chị còn có một ca khúc dự thi khác là “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình” phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai, đồng thời nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng phổ nhạc bài thơ này và gửi dự thi. Đây là điều lý thú của cuộc vận động sáng tác “Đây biển Việt Nam” khi mang đến cho ban giám khảo, người nghe, đồng nghiệp hai nhạc phẩm hay để thưởng thức, đồng thời cũng đặt ra một “ca” khó, để so sánh, thưa nhạc sĩ?
- Đúng là rất khó để so sánh các tác phẩm nghệ thuật. Khi phổ cùng một bài thơ, mỗi tác giả sẽ có những góc nhìn và cảm xúc rất riêng để triển khai phần âm nhạc. Tôi gửi bài hát dự thi vì đồng cảm với chủ đề cuộc thi có cùng đề tài mà mình đang dành nhiều tâm huyết. Có bài hát để gửi đến cuộc thi là vui rồi. Với tôi, giải thưởng lớn nhất là bài hát được nhiều ca sĩ biểu diễn, nhiều người đón nghe, nhiều người thuộc và có thể ngân nga hát.
Vẫn mong viết được cái mới về biển đảo
- Chị đã đi đến một số đảo trong quần đảo Trường Sa, đến với những
người đang giữ từng tấc đất quê hương. Trong góc nhìn của một nữ nhạc
sĩ và cảm nhận của một công dân từ đất liền ra nơi nghìn trùng sóng
gió, điều gì đọng lại trong chị?
- Sau 2 ngày tàu lênh đênh giữa biển mênh mông vắng lặng, khi Trường Sa hiện ra
trước mắt, tôi nghe lòng mình đầy tự hào, cảm giác lâng lâng đến khó tả. Không
phải bởi sóng biển mà bởi cảm xúc khi đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió của biển trời
Tổ quốc. Trong hành trình 10 ngày thăm các đảo, với tôi việc ý nghĩa nhất là
mình được chứng kiến nỗi gian nan vất vả và tấm lòng người lính biển, trong đó
có những điều không nhìn thấy mà chỉ cảm nhận được.
BTV Quỳnh Hợp cùng các đồng nghiệp và nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn |
- Chị đã kịp làm những việc có ích nào trong những
hải trình ngắn ngủi ấy? Hẳn vẫn là chưa đủ trước những gian khổ, hy
sinh của người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc, thưa chị?
- Biết tôi đi Trường Sa, bè bạn "trang bị" cho tôi rất nhiều thơ ca, sách báo,
băng dĩa, tư liệu... Nhà thơ Trần Đăng Khoa tặng tôi cuốn "Đảo chìm" của anh...,
nhưng tôi không xem, không đọc, không tìm hiểu vì muốn để cho những gì mình cảm
nhận khi ra đảo là của riêng mình, không lệ thuộc vào bất kỳ tác động nào.
Tôi đã cảm nhận được Trường Sa và những người lính đảo cho
riêng mình với những gì nhìn thấy, nghe thấy để mỗi lần nghe cụm từ "biển đảo Tổ
quốc", trong tôi lại dâng lên những cảm xúc dạt dào. Khi đó, Trường Sa lại hiện
lên chân thực, sống động và cả những giọt nước mắt bâng khuâng.
- Khi nào chị lại ra với Trường Sa, và lên kế hoạch sẽ làm gì thật
ý nghĩa với cơ hội quý giá mà ít người có được đó?
- Bạn nói đúng đấy. Đến với Trường Sa giữa khơi xa, nơi biển, trời của Tổ quốc
thiêng liêng là cơ hội quý giá mà ít người có được. Tôi nghĩ mình là người may
mắn vì đã có cả một chùm bài hát về Trường Sa trước khi đến nơi sóng gió, gian
khổ ấy. Là văn nghệ sĩ, việc làm cụ thể, ý nghĩa nhất là có tác phẩm viết về
biển đảo, về Trường Sa, về những người lính biển đang thiếu thốn đủ bề, chồng
chất khó khăn, nhưng vẫn trụ vững nơi khơi xa.
Tôi mong được ra lại Trường Sa lắm! Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn hẹn hò sẽ cùng
tôi ra đảo trong một chuyến gần nhất. Cũng không kỳ vọng gì nhiều. Với những gì
đã viết về Trường Sa thì cũng hy vọng có thể sẽ có được gì đó mới mẻ hơn để tặng
những người lính biển. Hiện tôi đang còn nhiều bài thơ của nhiều tác giả trên cả
nước gửi qua mail để phổ nhạc. Đề tài biển đảo mà cụ thể là Trường Sa rất thu
hút văn nghệ sĩ, bởi nơi đó là tiền tiêu, phên giậu của Tổ quốc với bao hiểm họa
rình rập từ nghìn đời nay mà cha ông ta đã kiên cường bám trụ giữ gìn.
V.Tiến thực hiện
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn gửi tặng 100 đĩa "Tổ quốc nhìn từ biển" cho các độc giả VietNamNet sống tại TP.HCM. 100 bạn đọc gửi email đến vnn.quatangvanhoa@gmail.com sớm nhất và ghi đầy đủ thông tin cá nhân (ĐT, Địa chỉ liên lạc, số CMTND) sẽ được nhận quà tặng từ nhạc sĩ. Bộ đôi album "Tổ quốc nhìn từ biển" gồm 30 ca khúc về biển
đảo và bộ đội hải quân theo các chủ đề: Huyền thoại một con đường, Gửi đảo xa,
Giữa trùng khơi sóng và Kỷ niệm Trường Sa. Album được sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chính ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 7... Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) hỗ trợ việc sản xuất karaoke, in dĩa DVD. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đặt mua 1.000 album gửi tặng bộ đội Trường Sa. |