Lâu nay ông luôn là người bận rộn và không bao giờ để ai đó phải băn khoăn điều gì to nhỏ. Khi đương chức cũng như nghỉ hưu, hễ có tín hiệu điện thoại là ngay lập tức trả lời, hoặc alo khe khẽ “Xin lỗi, tôi đang bận, xin gọi lại sau”.
Vậy nhưng gần đây, ông than thở: “Nhìn số lạ là không dám nghe, khi cứ chắc mẩm đầu dây chủ yếu gọi nhờ… xin việc !”
Bởi là người luôn quan tâm, chia sẻ, tiếng nói lại có “trọng lượng” nên ông thường được người quen nhờ vả, bấu víu. Thực tế ông từng tạo điều kiện cho nhiều người chuyển công tác, hợp lý hóa gia đình, con em tốt nghiệp đại học vào làm việc ở những nơi chốn mà nhiều người mơ suốt đời cũng không thể làm được, có tiền “chạy” cũng không có “cửa”.
Thế nhưng dạo này mọi việc đâm ra vô cùng khó khăn, xoay kiểu gì cũng tắc.
Ông kể, có một người đàn anh từng công tác với nhau thời trẻ, cả đời liêm khiết, không hề phiền lụy gì đến ai, vậy mà bỗng gọi điện thoại cho ông. Phải khó khăn lắm, có vẻ như gãi đầu gãi tai lâu lắm mới thốt lên được rằng, cháu trai đích tôn tốt nghiệp đại học 3 năm nay, chạy hết đông sang tây, nam ra bắc mà vẫn chưa xin được việc làm. Nay chỉ còn đường nhờ nói giúp một tiếng, quả thực đấy là bước cùng, uốn lưỡi cả chục lần mới dám nói…
Ông không hứa như trước, chỉ biết nói rằng, sẽ cố thử xem. Và lại đánh tiếng với một người đàn em đương chức, hy vọng vì nể tình, vì này nọ để bố trí, sắp xếp hợp lý. Người kia cũng hứa là sẽ cố gắng, sẽ giao ngay cho một cấp dưới khác xử lý nhanh nhất có thể.
Thế rồi đằng đẵng ngày đêm chờ đợi và đợi chờ.
Sau đó là những câu trả lời khó nói, đầy chia sẻ rằng, không có biên chế, không có công việc phù hợp, không có kinh phí trả lương, chờ nay mai lập bộ phận nọ, bộ phận kia may gì còn chỗ. Tóm lại, chỉ có cách duy nhất là… chờ đợi; hoặc nộp đơn nơi khác.
Kết lại, điện thoại số lạ thì… không nên nghe. Nếu lỡ nghe mà ai đó nhờ xin việc phải kiên quyết ngay: không thể được, không làm được! Tôi đang bận, đến giờ đi đón cháu rồi – ông làm bộ khoát tay, dập điện thoại bàn như thật.
Nhiều cử nhân sau khi cầm tấm bằng không tìm được việc làm. Ảnh minh họa |
***
Mỗi lần về quê, ông ngại nhất là gặp người đàn anh về hưu nhờ xin việc cho cháu nói trên. Thời buổi của khôn, người khó, nói mấy cũng không thể sẻ chia hết, nếu gặp người hay để ý, nhớ lâu thì còn mệt mỏi sang tận đời con, đời cháu chứ chẳng chơi.
Nhưng không, câu chuyện bỗng chuyển hướng một cách vui vẻ lạ.
Người đàn anh kia có lần ra Hà Nội chơi đã tìm gặp ông cho bằng được. Ông cứ cười hề hề, nói chuyện vần vè tục ngữ, thành ngữ cũ mới, rằng, “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, ta không lo được thì chúng phải lo, làm “đầy tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại”, có khi chúng nó còn giỏi hơn cái đám “bèo hoa dâu sống lâu lên lão làng” như chúng mình chứ lị…
Chuyện thế này: xóm quê ông có người học chưa hết lớp 7, bỏ quê đi làm thuê tận trong nam biệt tích mấy năm, rồi đùng đùng trở về mở nhà hàng. Ban đầu chả ma nào ngó ngàng, lỗ chổng vó nhưng vẫn kiên quyết tìm hiểu, thay đổi và nay đã thành công đáng kể.
Hàng không chỉ bán tại chỗ mà còn được đưa vào phục vụ trong thành phố cách xa dăm bảy chục cây số. Cứ ai có yêu cầu là phục vụ đến nơi đến chốn. Tiếng lành đồn xa. Nay không chỉ mở thêm nhà hàng tại Vinh, Cửa Lò mà còn vào tận Nha Trang cơ đấy.
Ông có biết không, nó có thương hiệu hẳn hoi, ai cũng biết, chỉ có ông ít về quê, ít thưởng thức cái món thịt dê quê ta là không biết. Nó là “Dê Vườn Xoài” Nghi Lâm chứ xa xôi gì đâu!
Nhà hàng ấy, ông chủ văn hóa lớp 7 nhưng nhân viên toàn… đại học! Ban đầu vào đứa nào cũng ngại làng xóm cười chê, có đứa vào làm thử chờ đợi phân công công tác hay chờ xin việc, nhưng làm lâu thì quen, làm càng tốt càng hăng. Thu nhập tốt thì không ai dại gì bỏ việc, cứ thế kéo đến ùn ùn.
Kế toán, thủ quỹ cần người trung thực, am tường, chạy hàng trong nam ngoài bắc cũng cần người biết tính toán, lo lót. Việc làm không hết, cần nhiều nhân lực thì càng cần người biết tổ chức, phân công, kiểm tra, kiểm soát. Tóm lại là tốt nghiệp đại học mới có thể đáp ứng được phần lớn công việc của cái nhà hàng càng ngày càng to ra, mạnh lên này.
Thì ra, người cháu đích tôn không xin được việc ngày ấy, bây giờ đã yên chí làm việc cho… ông chủ lớp 7 đầy thành đạt ở ngay quê mình. Và số người có bằng đại học được sử dụng ở đó không chỉ một vài người mà tính tổng công các điểm đã lên tới vài chục người!
Sao, tôi nói ông chưa tin hả? Thế thì hôm nào về quê, “nháy” máy cho tôi, tôi đưa ông lên thưởng thức, tất nhiên là có thằng cháu tôi tiếp đón và nói chuyện.
Nhưng mà tôi có gọi thì nhớ nhấc máy đấy nhé, vui vẻ thôi, chả nhờ vả gì ông đâu, “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, kệ chúng nó. Ta bây giờ yên chí nghỉ, thỉnh thoảng ngồi với nhau, nhẹ bụng thì cơm vừng lạc, hứng chí thì ới nhau làm vài chén, hề hề…
Châu Phú