Chiều 6/4, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số vấn đề của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tính đến đầu tháng 4/2023, đã có 11,6 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật.

Trong đó, 1,1 triệu ý kiến về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 1 triệu ý kiến về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; gần 1 triệu ý kiến về tài chính đất đai, giá đất; gần 1 triệu ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QH

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng khẳng định, sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất. "Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án thu hồi, tái định cư", ông Hà nói.

Đối với khu tái định cư trước đây trong dự thảo nêu phải tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện nay xác định nếu dùng từ "tốt hơn" rất khó định lượng.

Vì vậy, phải sửa đổi, quy định rõ khu tái định cư tốt hơn ở chỗ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Đồng thời, cũng phải tính toán phương án bồi thường ở nơi có điều kiện tương tự chứ không phải đưa ra ngoài xa.

Đối với chế độ sử dụng các loại đất, Phó Thủ tướng cho biết, ban soạn thảo đang tính toán, đề xuất đưa đất công (đất Nhà nước quản lý), trong đó có đất an ninh - quốc phòng để có chiến lược, chính sách quản lý đặc thù.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc chuyển đất xây dựng nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất từ đất quốc phòng đất giao thông mất gần một năm làm các thủ tục và Thủ tướng phải 3 lần vào TP.HCM mới chuyển được.

"Như vậy, việc chuyển đất quốc phòng sang đất giao thông, dù vẫn là của Nhà nước nhưng thủ tục hết sức khó khăn. Do đó, cần xem lại!”, ông Hà nêu.

Giải quyết điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng

Nêu ý kiến góp ý hoàn thiện dự luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) quan tâm đến cơ chế thu hồi đất. Theo ông, trong Luật Đất đai sửa đổi phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng.

“Với những dự án đô thị, thương mại, dịch vụ trên 100ha nên giao cho Nhà nước thu hồi đất, không nên thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Còn nếu thực hiện thỏa thuận thì cần phải có cơ chế để kiểm soát việc thỏa thuận”, ông Thắng nói và cho rằng, thỏa thuận nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

Đại biểu dự hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết, pháp luật đất đai hiện chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo đại biểu đoàn Long An, vấn đề trên tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời.

Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án. Trong khi đó giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời tăng thêm rất lớn.

Vì vậy, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị ban soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc là giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.