Là cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị truy tố cấp liên bang, ông Trump đang phải đối mặt với 37 cáo buộc phạm tội hình sự về sở hữu trái phép tài liệu mật, cản trở công lý và khai man với cơ quan hành pháp.
Theo BBC, đây là lần hầu tòa thứ 2 của ông Trump trong vòng chưa đầy 3 tháng qua. Hồi tháng 4, ông phải ra tòa ở New York vì cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với một nữ diễn viên phim người lớn trong lúc vận động tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, đó là một vụ án cấp bang, ít nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ truy tố cấp liên bang ở Florida.
Thời gian ông Trump hầu tòa
Cựu lãnh đạo Nhà Trắng đã dùng máy bay riêng Trump Force One để di chuyển từ câu lạc bộ golf của ông ở Bedminster, bang New Jersey đến Miami sáng 12/6 (giờ Mỹ). Các trợ lý cho biết, ông Trump sẽ nghỉ qua đêm tại khu khách sạn và nghỉ dưỡng Trump National Doral ở Miami.
Với sự tháp tùng của các nhân viên Sở Mật vụ Mỹ, ông Trump dự kiến sẽ đi bằng xe hộ tống từ khách sạn đến tòa án Wilkie D Ferguson. Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ bắt đầu lúc khoảng 15h giờ địa phương ngày 13/6 (2h giờ Việt Nam ngày 14/6). Tòa án cách khách sạn khoảng 18km.
Toàn bộ phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 1 giờ, sau đó ông Trump sẽ bay trở lại Bedminster. Cựu tổng thống dự kiến sẽ có các phát biểu lúc 20h15 cùng ngày (7h15 giờ Việt Nam ngày 14/6), ngay sau khi hạ cánh.
Diễn biến dự kiến của phiên tòa
Khi trình diện tại tòa án liên bang ở Miami, ông Trump sẽ nghe đọc cáo trạng chống lại mình. Alina Habba, một luật sư của ông Trump nhưng không đại diện cựu tổng thống trong vụ án này, chia sẻ với hãng tin Fox rằng, ông Trump “sẽ không bao giờ nhận tội”.
Thẩm phán dự kiến sẽ trả tự do cho cựu tổng thống sau đó mà không đòi hỏi ông phải nộp tiền bảo lãnh tại ngoại.
Nhiều vấn đề về thủ tục có thể sẽ được giải quyết, mặc dù giới quan sát tin khó có khả năng thẩm phán sẽ ấn định ngày xét xử tiếp theo.
Ông Trump có bị còng tay, chụp ảnh lưu hồ sơ?
Thông thường, các bị cáo tự nguyện ra hầu tòa đều bị còng tay, lấy dấu vân tay và chụp ảnh lưu hồ sơ. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nhận định, cựu tổng thống nhiều khả năng không phải đối mặt với các thủ tục giống như những bị cáo thông thường khác.
Tại phiên tòa trước đó ở New York, ông Trump chỉ phải lấy dấu vân tay. Công chúng khó có thể nhìn thấy cựu tổng thống trong phiên tòa vì các tòa án liên bang Mỹ cấm sử dụng các thiết bị chụp ảnh, ghi hình.
Thẩm phán phụ trách phiên tòa
Các giai đoạn đầu của vụ truy tố lần này đã được giao cho Thẩm phán Aileen Cannon, người được ông Trump bổ nhiệm vào năm 2020 khi còn đương chức tổng thống.
Mùa hè năm ngoái, Thẩm phán Cannon đã chấp thuận yêu cầu từ nhóm pháp lý của ông Trump, cho phép họ xem xét các hồ sơ trọng tâm của vụ án. Một tòa phúc thẩm sau đó đã đảo ngược quyết định này của bà.
Thẩm phán Cannon, 42 tuổi, sinh ra ở Colombia và hiện cư trú tại bang Florida. Bà tốt nghiệp Đại học Duke và Trường Luật Đại học Michigan, nơi bà từng làm biên tập viên cho Tạp chí Cải cách Luật của trường.