Sáng 27/11, với 423/468 (85,63%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Luật gồm 13 chương và 198 điều. 

Trước khi Quốc hội thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (chung cư mini) vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định thời gian qua nhiều địa phương có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra chặt chẽ, không xử lý kịp thời sai phạm dẫn đến nhiều hệ lụy, gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

chung cu mini 2 646.jpeg
Luật Nhà ở được thông qua đã quy định nhiều yêu cầu với chung cư mini. Ảnh: Tuấn Anh

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, song vẫn đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định phù hợp hơn một số yêu cầu. 

Cụ thể, không quy định yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý do Bộ trưởng Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy…

Liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có ý kiến cho rằng quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế hoặc khi chưa hết thời hạn sử dụng mà nhà ở bị hư hỏng, mất an toàn thì UBND tỉnh quyết định phá dỡ (theo tuổi thọ công trình) là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Lý do, đất ở không có thời hạn sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cũng cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Cần phân biệt thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư, đối với đất ở thì ổn định lâu dài, đối với đất dự án nhà ở có thời hạn thì thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất được giao thực hiện dự án.

W-quan-7-102-1.jpg
Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ các nội dung này như dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa luật Nhà ở hiện hành.

Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ phải phá dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai vẫn còn và người dân vẫn được bồi thường, bảo đảm tính thống nhất với Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc, Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này.

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay nhiều ý kiến tán thành phương án này. Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình.

Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Phương án này đã có sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định này bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực thi hành cao, tháo gỡ được vướng mắc trong thực tiễn thí điểm trước đây theo quyết định của Thủ tướng do chưa được luật quy định.