Xét về mọi tiêu chí thì Syria không thể xếp trong danh sách các cường quốc thế giới. Thời báo Nhật Bản cho rằng, Syria có khát vọng trở thành một cường quốc khu vực dù tầm ảnh hưởng không vượt xa khỏi biên giới.

{keywords}
Nội chiến ở Syria đã khiến khoảng 6,5 triệu người mất nhà cửa, và khoảng 4,4 triệu người phải tị nạn nước ngoài.

Tuy nhiên, tới năm 2015, Syria lại đóng một vai trò quá lớn trong các vấn đề quốc tế, là minh chứng cho cái gọi là ‘hiệu ứng cánh bướm’ – Liệu một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas? Tác động từ bất ổn tại Syria đã tạo nên làn sóng lan tỏa khắp toàn cầu, khuấy động các hệ thống chính trị của phân nửa thế giới.

Việc Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc nội chiến ngày càng đẫm máu đã gây nên hậu quả khôn lường. Khoảng 6,5 triệu người đã mất nhà cửa. Khoảng 4,4 triệu người tị nạn buộc phải trốn chạy sang nước khác.

Không ai có thể lường trước dòng người tị nạn trào ra từ cuộc xung đột này lại ập đến châu Âu với con số lớn như vậy, và họ có thể tạo ra mối đe dọa lớn nhất cho việc sáp nhập ở châu Âu trong lịch sử dự án này. Các chính phủ Đông và Trung Âu đầu tiên phản đối, cảnh báo dòng người từ Trung Đông có thể gây nên mối đe dọa tới các xã hội Cơ Đốc giáo truyền thống.

Mối đe dọa đó tiến triển thành nguy cơ hiện hữu: Những kẻ khủng bố Hồi giáo có thể trà trộn vào những người tị nạn để tiếp cận các mục tiêu ở phương Tây – một nỗi đe dọa trở thành hiện thực trong vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11.

Hệ thống Shengen cho phép tự do đi lại trong Liên minh Châu Âu – một trong những dấu hiệu rõ ràng và quan trọng nhất cho thấy sự hợp nhất của châu Âu – đang gây ra tranh cãi, và việc tạm ngưng trong vài năm là một phương án rất có thể xảy ra. Tư cách thành viên của Anh trong EU có thể gặp nguy khi Thủ tướng David Cameron nói rằng ông sẽ cho trưng cầu dân ý về chủ đề này trước khi kết thúc năm 2017.

Mối nguy từ khủng bố đã thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa dân túy đang ‘bốc cháy’ ở châu Âu và nhiều nơi khác. Điều này đã chuyển đổi các cuộc tranh luận về chính trị ở phương Tây – lo ngại an ninh quốc gia đã phủ bóng lên nỗi lo về kinh tế, tiếp sức cho sự trở lại của các đảng cánh hữu như Mặt trận Dân tộc ở Pháp, và chiến dịch chạy đua Tổng thống của ứng viên Donald Trump.

Về chính sách đối ngoại, cuộc nội chiến ở Syria đã mang lại cho Tổng thống Vladimir Putin sự khởi đầu mà ông tìm kiếm để khôi phục lại quan hệ với phần còn lại của thế giới. Ông đã can thiệp mạnh mẽ vào cuộc xung đột.

Nếu như Tổng thống Nga Putin mạnh lên sau cuộc xung đột, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lại rơi vào thế yếu. Thất bại trong việc vạch ra lằn ranh đỏ đối với vấn đề vũ khí hóa học tại Syria vẫn còn ám ảnh ông tới bây giờ. Điều này luôn được dẫn ra để chứng tỏ ông mềm yếu và không tin cậy.

Chính quyền của ông đã không thể đối phó với phiến quân IS cũng là ‘bằng chứng’ nữa cho thấy ông không thể hiểu hết, và chống lại mối đe dọa khủng bố ngày càng lớn (cách đây một năm, ông Obama từng rất coi nhẹ lực lượng này).

Sau cùng, ngay tại Trung Đông cũng hứng chịu các tác động của tình hình Syria. Nội chiến Syria đã biến thành cuộc chiến qua tay cho các chính quyền trong khu vực. Iran và Ảrập Xê-út đang tranh đấu với nhau, sử dụng những lực lượng ‘thế thân’ để mở rộng ảnh hưởng tôn giáo và chính trị.

IS tuyên bố thiết lập ‘vương quốc Hồi giáo’ chỉ là bước đầu tiên trong cuộc chiến của nhóm này nhằm đảo lại trật tự tại Trung Đông. Mở mang vùng đất – dù bằng cách chiếm đoạt – chỉ là một phần trong sứ mạng của họ. Lực lượng này đang cổ động cho những người Hồi giáo trên khắp thế giới châm ngòi cho các cuộc va chạm thật sự giữa các nền văn minh.

Điều mà IS mong muốn là khơi nên nỗi sợ hãi và các phản ứng thái quá, chẳng khác gì một cuộc chiến trong ngày tận thế giữa những tín đồ và người ngoại đạo.

Xưa kia, khi làm bản đồ, nước Anh gọi tên khu vực nằm giữa Anh và Viễn Đông là ‘Trung Đông’. Năm 2015 cho thấy các kỹ năng dựng bản đồ và các viễn cảnh có thể đã đổi thay, nhưng Trung Đông vẫn đang là tâm điểm của cả thế giới.

Lê Thu