Các bài báo đã bỏ quên hàng loạt số liệu rất quan trọng khác cũng nằm trong bản Báo cáo về thanh niên Việt Nam.

“Thanh niên Việt Nam thể lực kém, hút thuốc lắm, bia rượu nhiều”, “Rượu bia, thuốc lá kéo lùi thanh niên Việt Nam”… là những tít báo gần đây gây xôn xao và thu hút nhiều bình luận đầy hoài nghi.  

Những bài báo bắt nguồn từ một số nội dung trong Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam[1]. Tôi đã gửi những bài báo này và trao đổi trực tiếp với rất nhiều sinh viên.

Không vội quy chụp

“Oan quá. Tụi em ngoan quá trời, báo chí cứ giật tít và làm quá” là phản hồi tôi nhận được từ một nhóm sinh viên, vừa háo hức trở về từ một chương trình tình nguyện thành công do các em tự tổ chức tại một xã nghèo của Lâm Đồng. Ý kiến của các em khiến tôi phải suy nghĩ.

{keywords}

Những sinh viên đầy háo hức trong một chuyến đi tình nguyện. Ảnh: Lưu Minh Sang

Mặc dù người viết cho rằng, hiện trạng về dùng rượu bia, thuốc lá trong một bộ phận giới trẻ hiện nay đang ở mức tương đối cao và cần đặc biệt quan tâm. Nhưng việc quy chụp hình ảnh “Thanh niên Việt Nam” qua sự bóc tách riêng lẻ các con số mang tính tiêu cực từ một Báo cáo với rất nhiều chỉ số đôi khi lại làm phản tác dụng tuyên truyền.

Những con số nêu trong báo cáo: 18,2% thanh niên từng hút thuốc lá trong nhóm tuổi 16-19; 33% trong nhóm tuổi 20-24, hay 41,7% thanh niên từng say rượu bia trong nhóm tuổi 16-19được nêu trong báo cáo là dữ liệu thứ cấp từ khảo sát năm 2010.

Số lượng 10.044 vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 14-25 tại 63 tỉnh/thành được khảo sát cũng chưa thể đại diện cho hơn 25 triệu thanh niên Việt Nam. Người lập Báo cáo cũng thừa nhận những số liệu này là kết quả củacác cuộc điều tra khảo sát với mẫu điều tra tương đối nhỏ, sử dụng hình thức phỏng vấn hoặc phát phiếu tự điền, nên số liệu có thể chưa phản ánh chính thức tỷ lệ trong thanh niên Việt Nam hiện tại.

Hơn nữa, những bài báo đã bỏ quên hàng loạt số liệu rất quan trọng khác cũng nằm trong Báo cáo. Đó là: Thanh niên Việt Nam tham gia đến 10.371 đội tình nguyện; tổ chức 398.883 lần khám chữa bệnh cho 11.673.342 lượt người; tổ chức 72.305 lần thăm hỏi người nghèo giúp đỡ, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hay có hơn 4.656.368 lượt thanh niên tham gia hiến máu, có 7.514 mô hình mới trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu trong 4 năm (2010 – 2014)...

Chưa kể, hiện nay có rất nhiều nhóm thanh niên tự túc trong việc vận hành hàng loạt dự án tình nguyện với cách làm rất văn minh, chuyên nghiệp.  

Tôi có cơ hội tiếp xúc rất nhiều thanh niên, sinh viên. Ngoài những thành phần cá biệt, phần nhiều các em đều tích cực rèn luyện, không ngừng học hỏi và hoàn thiện. Một số lượng không nhỏ thanh niên đangtích cực ươm mầm khởi nghiệp.  

Việc đưa ra lời cảnh tỉnh là cần thiết, nhưng cần mang tính toàn diện, cần tôn vinh và khuyến khích những gì các em làm được. Quy chụp và phán xét về thế hệ tương lại của một đất nước là việc không nên làm, đặc biệt trong bối cảnh chưa có đầy đủ dữ liệu đáng tin cậy.

…nhưng không thể phớt lờ

Tuy nhiên, những con số về tình hình sử dụng rượu bia, thuốc lá hay ma túy của thanh niên nêu trong Báo cáo là những nốt trầm đáng ngẫm.

Khi tiếp cận với một số sinh viên thường xuyên rượu chè tụ tập, tôi nhận ra được nhiều điều ẩn đằng sau những con số nêu trong Báo cáo. Mặc dù đối tượng của Báo cáo là thanh niên nói chung, nhưng sinh viên lại là một lực lượng tương đối đông đảo và quan trọng.

{keywords}

Bạn trẻ uống bia trong khu vực làng đại học Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Quang Định/ Tuổi trẻ online

Có nhiều nguyên nhân đẩy các em sa đà vào chất kích thích.

Các em dường như thiếu vắng hoàn toàn khả năng tự làm chủ bản thân và mơ hồ về mục tiêu phấn đấu. Sự bao bọc kỹ lưỡng của gia đình khi còn bé, đến khi học phổ thông thì lao đầu vào sách vở để chạy theo thi cử, góp phần khiến các em đánh mất cơ hội hình thành sức đề kháng với cạm bẫy của cuộc sống xa nhà.

Việc thiếu vắng các hoạt động xã hội trong suốt những năm phổ thông làm các em khó phân biệt được đúng sai và dễ sa ngã. Ngoài ra, sự chu toàn về mọi thứ, kể cả việc trải thảm trên con đường tương lai sau tốt nghiệp từ gia đình đã làm giảm sút ý chí, mục tiêu phấn đấu của các em.

Tại giảng đường, nhiều sinh viên trở thành “tỷ phú thời gian” bởi cơ chế giáo dục đại học còn nhiều khoảng trống buông lỏng trong vấn đề quản lý và đào tạo. Nếu sinh viên các nước phải ngày đêm đèn sách tại các thư viện và hàng loạt hoạt động ngoại khóa thì sinh viên Việt Nam tại nhiều trường đại học vẫn cứ nhàn nhã mà qua môn.  

Không dừng ở đó, trong xã hội, nhiều nơi lại đang vận hành với chất bôi trơn là bia và rượu. Từ thời còn sinh viên, tôi vẫn thường hay được cảnh báo: “không nhậu nhẹt được, khó tiến thân”.

Khi lấy tửu lượng làm thước đo cho nhiều vấn đề từ sự nam tính, biết điều, lễ độ cho đến những thứ mang lợi ích khác, thì xã hội ấy trở thành môi trường đầy tiêu cực cho lớp thanh niên.

Và hơn hết, Nhà nước vẫn chưa có những chính sách, chương trình cụ thể điều tiết vấn đề sử dụng bia rượu, thuốc lá một cách hữu hiệu. Các chất kích thích nguy hại này vẫn được coi là sản phẩm bình dân, bày bán tràn lan, không ràng buộc về điều kiện tuổi tác với người mua, điều kiện về giờ giấc, địa điểm đối với người bán.

Tựu chung lại, lối sống tiêu cực của tỷ lệ thanh niên nêu trong Báo cáo là kết quả của tổng hòa những sự tác động từ chính sách, môi trường xã hội xung quanh, nền tảng gia đình, khoảng trống giáo dục và cả bản thân các em. Bởi vậy, sự thay đổi chỉ có thể đến khi chính những tác nhân này quyết liệt biến chuyển.

Lưu Minh Sang

------