Không nên xem phương tiện công cộng và cá nhân là hai nhân tố đối đầu nhau, mà là hai nhân tố kết hợp, hỗ trợ.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu phần 2 bài viết của chuyên gia GTVT TS.Trần Hữu Minh về vấn đề ùn tắc giao thông tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TPHCM.

>> Xem lại Kỳ 1: Làm thế nào giúp Hà Nội hết cảnh ‘chôn chân’?

Xin lốt xe nửa tỷ và chuyện ‘trên bảo dưới không nghe’

Đi xe buýt riêng cho nữ, tôi rất... xấu hổ

Bênh chợ cóc: Lối nghĩ của xứ chuộng xe máy?

Có nên hạn chế phương tiện cá nhân?

“Hạn chế phương tiện cá nhân” là cụm từ dễ gây hiểu nhầm. Thuật ngữ chính xác hơn đối với nhóm giải pháp liên quan đến vận tải cá nhân là “Quản lý sử dụng phương tiện cá nhân”.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy những giải pháp nhằm tác động đến sở hữu ít phát huy tác dụng. Trong khi đó, quản lý sử dụng là giải pháp rất hữu hiệu, đã được áp dụng rộng rãi và thành công tại rất nhiều đô thị lớn trên thế giới, kể cả các thành phố có nhiều đặc điểm tương đồng với Hà Nội, TP HCM.

Một xã hội chỉ sử dụng xe đạp, xe máy hoặc đi bộ thì không thể coi là thịnh vượng vì tốc độ di chuyển, khả năng chuyên chở và độ tiện nghi thấp. Một xã hội chỉ sử dụng ô tô cá nhân thì chắc chắc sẽ gặp rất nhiều vấn đề về ách tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.

Nhìn vào xu hướng của thế giới, các nước phát triển đã từng đi xe đạp, đã chuyển sang ô tô cá nhân. Và nay họ vẫn giữ ô tô nhưng song song với đó là phát triển mạnh mẽ phương tiện công cộng, các phương thức vận tải phi cơ giới như xe đạp và đi bộ.

Trên cơ sở này người dân có nhiều lựa chọn di chuyển và dùng các công cụ về quản lý, kinh tế để điều tiết nhu cầu, khuyến khích người dân lựa chọn phương thức đi lại phù hợp với chuyến đi của họ, đặc biệt là phương tiện công cộng và vận tải phi cơ giới.

{keywords}

Ùn tắc đang gia tăng tại hai thành phố lớn nhất cả nước

Cụ thể hơn, với những chuyến đi cần ô tô (đi dã ngoại, về quê, mua sắm cuối tuần…) người dân có thể sử dụng ô tô một cách thuận tiện. Nhưng với những chuyến đi vào khu vực nội thành vào ngày làm việc, nếu có thể sử dụng phương tiện công cộng, hay đi bộ/ đi xe đạp thì nên thực hiện.

Người dân chỉ đi xe đạp khi có không gian an toàn (làn xe đạp liên thông...), hoặc chỉ đi bộ khi có vỉa hè sạch sẽ thông thoáng và đặc biệt là phải liên thông, liên tục... Bởi vậy nếu muốn thúc đẩy việc đi xe đạp và đi bộ, chính quyền thành phố cần tìm cách cung cấp các điều kiện trên.

Để vận tải cá nhân phát triển tự phát cho đến khi ách tắc trầm trọng mới bắt tay giải quyết rõ ràng không phải lựa chọn sáng suốt. Việc định hướng hướng dẫn người dân dùng phương tiện cá nhân như thế nào cho hợp lý là trách nhiệm của các nhà quản lý.

Năm 2014, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Bởi vậy, nên đặt vấn đề quản lý sử dụng phương tiện cá nhân hợp lý là một trọng tâm trong thời gian tới.

Thiếu một trong hai yếu tố công cộng và cá nhân, Hà Nội và TP HCM đều gặp vấn đề nghiêm trọng về GTVT. Bởi vậy, không nên xem vận tải công cộng và cá nhân là hai nhân tố đối đầu nhau, mà là hai nhân tố kết hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Không gian cho người đi bộ

Tại Hà Nội và TP HCM, do phương tiện cá nhân tiện lợi nên tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp. Bởi vậy tắc càng thêm tắc, người dân càng sử dụng phương tiện cá nhân thì hạ tầng càng quá tải, giao thông càng trở nên lộn xộn khó quản lý.

Không có giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết ngay vấn đề phức tạp trên. Tuy nhiên, nếu xác định một nút thắt để tháo gỡ, thì việc phát triển phương tiện công cộng là một giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu, trong đó không gian cho người đi bộ đóng một vai trò quyết định. Chúng ta có phương tiện công cộng tốt đến mấy mà không gian đi bộ không đáp ứng thì hiệu quả cũng sẽ rất hạn chế.

Tại Hà Nội, việc dành thêm không gian mặt đường trên một số hành lang rộng rãi (như Nguyễn Trãi-QL6, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh tại TP Hà Nội) để làm vỉa hè cho người đi bộ (đồng nghĩa với việc giảm không gian mặt đường) là hoàn toàn làm được. Sau khi đã điều chỉnh một phần không gian đường phố cho vỉa hè, cần tiếp tục ưu tiên, nâng cấp chất lượng cho phương tiện công cộng.

{keywords}

Hà Nội và TP HCM nhiều tuyến phố không còn đường cho người đi bộ. Ảnh: GDVN

Các giải pháp lâu dài đã được xây dựng tương đối đầy đủ trong Nghị quyết số 16 của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM như: đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các dự án đường sắt đô thị đang thi công đúng thời hạn quy định; sớm triển khai các tuyến đường sắt đô thị mới theo quy hoạch; mở rộng các đường vành đai, đường hướng tâm vào thành phố; thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, quản lý lòng đường, vỉa hè...

Nếu kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp trên, chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM sẽ được cải thiện.

TS.Trần Hữu Minh