Ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý, trong khi đó vợ con thăng hoa trên thị trường chứng khoán. Mảng bán lẻ tiếp tục mang đến luồng gió mát và kỳ vọng lớn cho các doanh nhân như bà Cao Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Đức Tài hay Phạm Nhật Vượng.

Chỉ trong vòng khoảng 1 năm qua, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận nhà bà Cao Thị Ngọc Dung tăng gấp đôi lên mức cao lịch sử: hơn 110 ngàn đồng/cp. Cú tăng bứt phá của cổ phiếu này đã giúp bà Dung (vợ ông Trần Phương Bình, nguyên chủ tịch DongABank) giàu kỷ lục với tài sản quy từ cổ phiếu này lên tới hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.

Con gái bà Dung, Trần Phương Ngọc Thảo cũng có vài trăm tỷ đồng.

PNJ bắt đâu khởi sắc sau khi thoát gánh nặng DongABank. Sau khi bán và trích lập dự phòng khoản đầu tư cổ phiếu DongABank, PNJ đã chứng kiến lợi nhuận tăng vọt. Mảng bán lẻ sôi động cùng với sự thăng hoa của vàng trang sức trong bối cảnh thị trường vàng miếng trầm lắng đã mang tới cho doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung rất nhiều thuận lợi.

{keywords}
Gia đình ông Trần Phương Bình

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường lý tưởng cho nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Trong khi các đại gia Thái, Nhật, Hàn dồn dập đổ tiền vào thì nhiều doanh nhân trong nước cũng chớp thời cơ xây dựng cho mình những chuỗi bán lẻ đầy tiềm năng.

Gần đây, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đã chốt huy động thêm 2,5 ngàn tỷ đồng để thâu tóm mở rộng mảng điện máy, mở thêm chuỗi dược phẩm sau khi đã trở thành ông trùm bán lẻ điện thoại di động.

Cũng giống như MWG, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung phát triển từ một cửa hàng bán lẻ vàng trang sức lên thành một chuỗi cửa với hàng trăm cửa hàng rộng khắp Việt Nam với thị phần hiện đang lớn nhất.

Doanh thu của PNJ cũng khoảng 2 tỷ USD, ngang ngửa với Thế Giới Di Động.

Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long và Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ dù là doanh nghiệp sản xuất nhưng cũng có hệ thống phân phối bán lẻ trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp này đều đang tăng trưởng bùng nổ.

Cả 4 doanh nhân này đều đang ở giai đoạn giàu kỷ lục nhờ cổ phiếu đang đứng ở mức cao nhất mọi thời đại.

Cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là nhóm cổ phiếu trụ cột và là động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự phân hóa khá mạnh. Nhiều cổ phiếu xuống dốc không phanh như DongABank của nguyên chủ tịch Trần Phương Bình chồng bà Dung. Nhiều cổ phiếu có tốc độ tăng giá khá chậm như SHB của ông Đỗ Quang Hiển, hay ACB của nhà ông Trần Mộng Hùng. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) đứng ở mức cao, Ngân hàng Quân đội (MBB) và VPBank của nhà ông Ngô Chí Dũng tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu vật liệu xây dựng (thép, gạch đá, nhựa…) và xây dựng như HPG, HSG, TLH, POM, VCS, VGC, BMP, CTG… tiếp tục tăng mạnh, nhóm bất động sản nóng trở lại.

Mặc dù vậy, nhóm trụ cột tăng mạnh trước đó đang kìm hãm đà tăng. Cổ phiếu Sabeco (SAB) sau khi lên mức cao kỷ lục đã giảm trở lại. Vingroup (VIC) cũng có những bước điều chỉnh. Vietinbank (CTG), BIDV (BID) cũng giảm.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng. Khối ngoại có phiên mua ròng, phiên bán ròng nhưng chung cuộc đang mua ròng rất mạnh. Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng 8 tháng liên tục với hơn 1,3 tỷ USD (gần 670 triệu trái phiếu). Khối này đang nắm giữ hơn 26 tỷ USD giá trị chứng khoán Việt, tăng gần 30% so với cuối 2016.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9, VN-index tăng 2,84 điểm lên 802,78 điểm; HNX-Index tăng 0,71 điểm lên 104,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,06 điểm lên 54,51 điểm. Thanh khoản đạt gần 190 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,3 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú