ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn Thủ tướng về chế độ chính sách với cán bộ y tế. ĐB cho biết, thực tế, chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Hầu hết tại khu vực công, cán bộ y tế đều đang hưởng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các chế độ phụ cấp theo lương, mức này rất thấp không đảm bảo cuộc sống.

ĐB nêu, đối với bác sĩ vì thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành nghề khác (6 năm), sau ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề, khi hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức ngắn hạn và dài hạn với kinh phí khá cao...

Trong khi đó, mức lương khởi điểm của các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học đều được đánh đồng theo mức bậc 1, hệ số 2,34 x mức lương cơ sở là chưa thực sự phù hợp.

ĐBQH đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 204 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Trả lời chất vấn ĐB Nguyễn Tạo, Thủ tướng vừa có văn bản cho biết, các chế độ áp dụng chung đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:  xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn và được hưởng chế độ phụ cấp theo vị trí công việc đảm nhiệm và địa bàn công tác.

Cán bộ cũng được hưởng chính sách khi công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; được thực hiện chế độ tự chủ về tài chính và trả lương tăng thêm theo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, viên chức ngành y tế còn được áp dụng các chế độ đặc thù như: rút ngắn thời gian tập sự còn 9 tháng (quy định chung là 12 tháng) do thời gian đào tạo dài (6 năm đối với bác sĩ).

Viên chức ngành y còn được xếp lương cao hơn khi tuyển dụng lần đầu đối với bác sĩ nội trú (xếp bậc 2 hệ số lương 2,67 của chức danh bác sĩ).

Được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế; phụ cấp thường trực, phụ cấp chống dịch, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chế độ đối với bác sĩ trong thời gian đi luân phiên; phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản.

Thủ tướng cho biết, tổng thu nhập của viên chức ngành y tế (bao gồm các chế độ áp dụng chung đối với viên chức và các chế độ đặc thù nêu trên) là có cải thiện hơn so với ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành y tế.

Tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương

Về việc sửa đổi Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Thủ tướng thừa nhận Nghị định này thực hiện từ năm 2004 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập và còn thấp so với mặt bằng thu nhập trên thị trường lao động và yêu cầu cuộc sống của người hưởng lương. 

Để khắc phục bất cập này, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Nghị định 27 chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời Trung ương cũng chỉ đạo việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh và các chế độ phụ cấp,... đối với cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có viên chức ngành y tế) để làm cơ sở xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 204.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương.

Trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1, 49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của ĐBQH, cử tri để hoàn thiện những nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.