Chiều 7/9, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Nêu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề cập đến giao dịch đáng ngờ qua hệ thống ngân hàng, nhưng quy định tại dự thảo luật là mơ hồ.

“Nhiều trường hợp xảy ra vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan chức năng mới xử lý, chưa kịp thời phát hiện khi loại tội phạm này mới hình thành. Việc này cho thấy xác định nguồn gốc tài sản rất khó khăn”, ông Phước nói và đề nghị, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn, tránh hình thức.

Về tiền ảo hiện nhà nước chưa công nhận, song đại biểu Dương Văn Phước lưu ý, Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn; đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn.

Theo ông Phước, tiền ảo dễ dàng giao dịch trên phạm vi toàn cầu, đã trở thành kênh để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi tiền bẩn thông qua mô hình bất hợp pháp thành tiền sạch, chuyển thành các khoản tài trợ khủng bố thông qua mua bán, trao đổi tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cho biết, gần đây có nhiều đường dây đánh bạc rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, nhưng các hoạt động này nằm ngoài quy định pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

“Tiền ảo, tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền chưa quy định”, ông Phước nói và đề nghị, bổ sung quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật nhằm bảo đảm an ninh tài chính, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.

Nêu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) đề cập tới các giao dịch đáng ngờ trong bất động sản. Theo ông Đức, có thể sẽ có những hành vi rửa tiền qua chứng khoán rồi rút tiền ra mua bất động sản, nên cần xác định nguồn gốc nguồn tiền dành mua bất động sản này. 

“Thực tế có hiện tượng người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, nếu họ không giao dịch qua ngân hàng mà qua kênh khác thì phòng chống rửa tiền thế nào?”, đại biểu đoàn TP.HCM nói và đề nghị quy định chặt chẽ hơn để chống rửa tiền ở các giao dịch dạng này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Giải trình về vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, dự thảo ban đầu có quy định về tài sản ảo. Tuy nhiên, qua rà soát thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép tài sản ảo. Vì vậy, các cơ quan đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội phương án giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Còn về giao dịch đáng ngờ, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện bổ sung. Thống đốc cho biết, dự thảo luật giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối trong phòng chống rửa tiền nhưng thực tế các giao dịch phát sinh rất nhiều, trong đó, có nhiều giao dịch thuộc các bộ, ngành quản lý. Do đó, dự thảo luật đã đưa ra quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đầu mối là Ngân hàng Nhà nước và rà soát, bổ sung một số trách nhiệm của các cơ quan liên quan”, bà Hồng nhấn mạnh.

Vòi bạch tuộc mang tên tiền ảo

Vòi bạch tuộc mang tên tiền ảo

Không chỉ ở thành thị, lừa đảo bằng hình thức lập sàn tiền ảo, mua bán tiền ảo đã vươn vòi đến nông thôn, nếu không kịp ngăn chặn thì hệ lụy sẽ khó lường.