Việc Tổng thống Mỹ tuyên bố chính thức dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam được xem là bước tiến quan trọng giữa hai quốc gia từng là cựu thù. Trước chuyến công du lịch sử này, không ít người còn hoài nghi về việc khó có khả năng rào cản cuối cùng này sẽ được dỡ bỏ bởi một số khác biệt vẫn còn đeo bám.
LTS: Tới đây, sau khi những rào cản cuối cùng vừa được tháo gỡ, liệu hai nước có thể nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược hay không? Tuyên bố này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ Việt – Mỹ tới đây? Là những câu hỏi đang được dư luận quan tâm. Tuần Việt Nam đã ghi lại ý kiến của giới nghiên cứu Mỹ và Việt Nam. Mời độc giả cùng theo dõi.
Có hậu thuẫn lớn cho Quan hệ Việt-Mỹ
Chuyến thăm của Tổng thống Obama đo "chiếc áo" Việt - Mỹ
Tổng thống Obama vừa tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Các vị có bình luận gì về tuyên bố này? Tuyên bố này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ Việt – Mỹ?
GS Stephen Walt, Đại học Harvard: Tuyên bố này thể hiện Hoa Kỳ hoàn toàn mong muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam dễ dàng bảo vệ lợi ích của mình hơn trong khu vực đang có nhiều sự thay đổi nhanh chóng.
GS Thomas Patterson, Đại học Harvard: Tôi cho rằng tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí là một bước tiến thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quyết định này giúp tăng cường vấn đề an ninh của cả hai quốc gia, đồng thời thắt chặt hơn nữa quan hệ của hai bên.
TS Anders Corr, nhà phân tích rủi ro chính trị Mỹ: Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam là một quyết định quan trọng cả về mặt biểu tượng lẫn thực tiễn. Xét về mặt biểu tượng, đây là một bước tiến của mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, kết thúc Chiến tranh Lạnh với Việt Nam, gác lại đằng sau lịch sử về cuộc chiến tranh của hai nước. Từ góc độ thực tiễn, việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khi sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lựa chọn hơn trong việc mua vũ khí.
Trước đây Nga và một số nước khác vẫn là những đối tác ngoại giao và xuất khẩu vũ khí quan trong của Việt Nam thì nay điều đó có thể thay đổi khi Việt Nam có thêm cơ hội mua vũ khí từ Hoa Kỳ và các cơ hội từ việc mở rộng thương mại từ TPP. Mức độ phạm vi quan hệ ngoại giao và thương mại mà Việt Nam muốn dịch chuyển từ Nga sang Hoa Kỳ sẽ trở nên rõ ràng hơn từ 5 tới 10 năm nữa.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor. Ảnh Zing |
TS Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là một trong những thỏa thuận tổng quát giữa hai nước. Tuy nhiên việc dỡ bỏ cấm vận từng loại vũ khí nào, ví dụ máy bay Lockheed Martin F35, hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot... cần những thỏa thuận riêng cụ thể. Nhưng đây có thể coi là biểu trưng cho thành công của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao và hứa hẹn mở đường cho Việt Nam tiếp cận những vũ khí hiện đại để có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước những đe dọa ngày càng lớn trên Biển Đông.
Về phương diện phòng vệ quốc gia, việc mở ra khả năng tiếp cận các khí tài hiện đại nhất thế giới từ Hoa Kỳ, tạo ra một sự bổ sung vô cùng quan trọng bên cạnh vũ khí mua được từ Nga.
Dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí cho Việt Nam còn có nghĩa phòng vệ quốc gia sẽ được tăng cường nhờ Hoa Kỳ chấp nhận bán cho ta các vũ khí càng hiện đại ví dụ hệ thống lá chắn tên lửa Patriot, trạm radar X11.
Nhưng tôi đánh giá thành công lớn nhất ở phương diện ngoại giao, phương diện xây dựng niềm tin. Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm bán vũ khí không riêng gì cho các nước CNXH trước đây, mà bất cứ chính thể nào từ Châu Phi, tới Châu Á, khi họ chưa có bằng chứng để tin tưởng rằng chính thể đó sẽ sử dụng vũ khí mua được từ Hoa Kỳ một cách có trách nhiệm. Cử tri Hoa Kỳ cần chắc chắn rằng các chính phủ có được vũ khí của Hoa Kỳ sẽ không sử dụng vũ khí đó để đàn áp chống lại nhân dân, chống lại trật tự hòa bình thế giới.
Đằng sau việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí của Tổng thống Obama, là niềm tin của số đông cử tri Hoa Kỳ vào khả năng phát triển hòa bình, thịnh vượng ở Việt Nam và cả lợi ích chính trị, ngoại giao của Hoa Kỳ trong đó.
Rào cản cuối cùng giữa 2 quốc gia đã được tháo gỡ. |
Theo các vị, vấn đề dân chủ nhân quyền vẫn đang là vướng mắc lớn nhất cản trở hai bên tiến xa hơn trong mối quan hệ này hay còn nguyên nhân nào khác?
GS Stephen Walt, Đại học Harvard: Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải tiến hành từng bước.
Nếu các bước tiến quá nhanh sẽ khiến cho một vài láng giềng không thiện chí và các nhà lãnh đạo phản ứng mạnh mẽ, đồng thời cũng có thể gây ra những phản ứng dữ dội phía Hoa Kỳ hoặc Việt Nam mà dẫn đầu bởi các nhóm bất đồng chính sách trong nội bộ ở Việt Nam.
GS Thomas Patterson, Đại học Harvard: Sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các vấn đề về nhân quyền là một bài học đáng nhớ khi nước này từng hỗ trợ cho những chế độ độc tài trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Những chế độ này xét về mặt nào đó lại không nhận được sự ủng hộ của nhân dân, từ đó tạo ra những bất ổn và làm tụt lùi quá trình phát triển của họ.
Trong khi đó, những quốc gia tôn trọng nhân quyền rất hiếm khi tham gia các cuộc xung đột vũ trang với quốc gia khác. Thông qua cam kết về nhân quyền, họ đã tìm ra những cách thức hòa bình giúp giải quyết những khác biệt, hướng tới có lợi cho cả hai bên. Ngoài vấn đề về nhân quyền, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cũng quan tâm tới các mối quan hệ thương mại mang tính hiệu quả, đem lại lợi ích cho tất cả những quốc gia tham gia.
Máy bay trinh sát P3C Orion của Mỹ, một trong những vũ khí mà Việt Nam được cho là đang quan tâm. Ảnh: Airliners.net |
Các rào cản đối với thương mại tự do và bình đẳng có thể làm gián đoạn sự phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, mặc dù ở thời điểm hiện tại thì chưa xuất hiện rào cản nào giữa hai nước. Và nếu không có gì thay đổi, tôi dự đoán đây là một mối quan hệ hiệu quả và lâu dài.
Những diễn biến tại Biển Đông lại càng khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.
Nhiều quốc gia đã phải cùng nhau làm việc cật lực để xây dựng các bộ luật và quy tắc liên quan tới quản lý biển, và hành động đã phớt lờ những lợi ích chung là những lợi ích có được từ những tuyến đường giao thông được khai thông và sự tôn trọng các quyền đòi hỏi chính đáng đối với các tài nguyên biển.
Ngoài ra còn một mối liên kết nữa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đó chính là cộng đồng Việt Kiều ngày một phát triển và thịnh vượng với số lượng lên tới hơn một triệu người. Họ đã giúp làm phong phú thêm xã hội Hoa Kỳ trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục cho tới âm nhạc và kinh doanh. Họ là những tấm gương khiến những người Mỹ khác thêm thán phục và tôn trọng Việt Nam cũng như người dân Việt.
Nói chung, những việc khiến chia rẽ mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là rất nhỏ so với những việc giúp cả hai nước xích lại với nhau. Đây chính là lời hứa của tương lại, một tương lai không ngờ tới vào cuối thời kỳ chiến tranh đầy bi kịch và đổ nát từng chia rẽ hai quốc gia.
TS Anders Corr, nhà phân tích rủi ro chính trị Mỹ: Tôi cho rằng cách hiệu quả nhất giúp quan hệ Việt – Mỹ tiến xa hơn đó là tăng cường thương mại, và thông qua thương mại, làm bạn với các chính trị gia Mỹ. Đồng thời, Việt Nam thực hiện các cải cách một cách dần dần nhưng phải vững chắc như các vấn đề về tự do ngôn luận hoặc bầu cử tự do tại các cấp làng xã và quận huyện.
Việt Nam cần cải thiện các vấn đề như chấm dứt hình phạt tử hình và đặc xá cho những phạm nhân hối cải. Mặc dù chính Hoa Kỳ cũng đang có hình phạt tử hình cũng như cần phải thực hiện những cải cách dân chủ (như cải cách tài chính), phần lớn người dân Mỹ sẽ có cái nhìn tích cực hơn về mối quan hệ ngày một cải thiện với Việt Nam nếu Việt Nam được xem như đầu tầu trong việc thực hiện những vấn đề đó.
Lan Anh – Hoàng Hường thực hiện