- Thế giới năm 2015 tiếp tục chứng kiến những bất trắc, bất ổn và biến động khôn lường, từ sự trồi sụt về kinh tế - tài chính, đến bạo lực khủng bố, các đối đầu ngoại giao, quân sự hay dịch bệnh… ở quy mô và cấp độ chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Đặt năm 2015 trong tổng thế bức tranh thế giới 5-7 năm qua, ta thấy màu xám ngày càng trở nên đậm nét. Vậy đâu là căn nguyên của hiện tượng này?
2015: Bất ổn nối tiếp bất ổn
Cách đây 1 năm, cũng trên trang bình luận này tôi đã dùng xu hướng 3B (bất ổn, bất an và bất định) để diễn tả về bức tranh kinh tế - chính trị - an ninh thế giới trong năm 2014. Một năm đã trôi qua, nhưng các điểm sáng vốn đã ít ỏi lại ngày càng ít đi, trong khi các mảng xám, mảng tối ngày càng lan rộng, còn xu hướng 3B lại diễn ra với cường độ cao và khó dự đoán hơn trước gấp nhiều lần.
Ảnh: Northafricapost |
Dù dự báo các bất ổn sẽ gia tăng, nhưng ít ai có thể hình dung việc châu Âu khoanh tay bất lực trước cả triệu người tỵ nạn khắp thế giới đổ về châu lục này trong năm qua hay việc những kẻ khủng bố thẳng tay thảm sát dã man hàng trăm nạn nhân vô tội ở Pháp và Mỹ như hành động chỗ không người. Và cũng thật khó để hình dung đối đầu Nga - phương Tây vốn vẫn chưa dịu cơn nóng sau vụ sáp nhập Crimea và xung đột ở đông Ucraina thì nay lại được tiếp thêm dầu với hai mặt trận mới ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở châu Á-TBD, đối đầu ngoại giao, và ở mức độ nào đó là đối đầu quân sự Trung - Mỹ, lại được nâng lên cấp độ mới, chủ yếu liên quan đến việc Trung Quốc tôn tạo trái phép các đảo đá nhân tạo ở Biển Đông, trong khi Mỹ kiên quyết khẳng định và thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này theo luật pháp quốc tế.
Nhìn trên bản đồ thế giới, không khó để nhận ra ngày càng nhiều điểm nóng, hay bất ổn tiềm tàng như những quả bom hẹn giờ với sức lan tỏa mang tính toàn cầu đang trực chờ để được kích hoạt. Lấy đối đầu Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây làm ví dụ: Trước thời điểm máy bay SU-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chưa lâu, quan hệ Nga – Thổ được lãnh đạo hai nước mô tả là tốt nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, tấn công IS thì quan hệ hai bên bỗng chốc căng như dây đàn. Và giờ đây thì lãnh đạo hai nước không tiếc các ngôn từ nặng nề nhất để mạt sát nhau. Vậy nên hiểu ra sao Tuyên bố của Tổng thống Nga Putin trong thông điệp Liên Bang ngày 2/12/2015 về việc sẽ không dễ dàng bỏ qua việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24. Và như vậy, cuộc đối đầu nếu có giữa Nga, một cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên được NATO ủng hộ và đảm bảo an ninh, sẽ có kết cục ra sao vẫn còn là ẩn số để ngỏ.
Trong một ví dụ khác, ở châu Âu, hàng ngàn người tỵ nạn vẫn tiếp tục đổ về trung tâm của châu lục này, vượt qua những rào cản an ninh dầy dầy, lớp lớp bao quanh đường biên giới quốc gia vốn được để ngỏ theo Hiệp ước Shenghen. Và tất nhiên, câu chuyện không chỉ là vấn đề người nhập cư, mà ẩn sau đó là sự trà trộn của hàng trăm kẻ khủng bố. Tình trạng trên cho thấy sự bất ổn ngày càng gia tăng ở khu vực ngoại vi như một liều độc dược đã và đang thẩm thấu vào khu vực cốt lõi của châu Âu và “sống chung cùng khủng bố” là một thực tế mà người châu Âu dù không muốn cũng phải chấp nhận.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Thực chất thì căn nguyên sâu xa của những bất ổn trên chủ yếu bắt nguồn từ sự bất lực, và ở mức độ nào đó, là sự “thất bại của các thiết chế” (failed institutions) và “thất bại của hệ thống” (failed system) trên phạm vi khu vực và thế giới, bên cạnh sự hiện diện ngày một nhiều các “quốc gia thất bại” (failed states) trên bản đồ địa-chính trị toàn cầu.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cuối những năm 1980, đầu 1990 thì trật tự thế giới hai cực không còn và thế giới bước vào thời kỳ chuyển tiếp với tên gọi trật tự thế giới “Hậu chiến tranh lạnh”.
Trong khoảng ¼ thế kỷ từ đó cho đến nay, giai đoạn chuyển tiếp của thế giới lúc thì được gọi là “trật tự đơn cực” khi Liên Xô tan rã tạo điều kiện để Mỹ trở thành siêu cường duy nhất; khi thì trật tự này gọi là “trật tự nhất siêu, đa cường” hoặc “trật tự đa cực” khi Nga hồi sinh; Trung Quốc và các nước BRICS khác như Ấn Độ, Brazil trỗi dậy mạnh mẽ; còn EU ngày càng cố kết về kinh tế và tìm cách mở rộng ảnh hưởng thông qua các chính sách an ninh và đối ngoại chung.
Mỹ gần đây điều cả máy bay B-52 áp sát đảo nhân tạo TQ làm ở Biển Đông. Ảnh: Boeing |
Nhưng từ sau khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới năm 2008-2009 và một loạt các diễn biến dồn dập diễn ra sau đó thì trật tự đang định hình và chuyển tiếp ở trên cũng không còn nữa. Nước thì Mỹ đang vật lộn cả bên trong lẫn bên ngoài để níu kéo và duy trì vai trò trong một trật tự đang ngày càng trở nên “phi Mỹ” (non-American) và “phi Phương Tây” (non-Western) hơn bao giờ hết. Các cực khác như Nga, Brazil đang vật lộn để “trụ hạng” và tồn tại, chứ chưa nói đến chuyện tập hợp lực lượng để “xưng hùng”.
Trung Quốc được xem là nhiều bạn nhưng thiếu đồng minh, một mặt tìm cách để khẳng định vai trò cường quốc mới của mình, nhưng mặt khác đang nỗ lực cải cách tối đa để “xua” các tin tức kinh tế xấu và tránh năm 2016 trở thành “năm Trung Quốc”.
Có thể thất một số điểm đáng chú ý sau trong cục diện thế giới hiện nay:
Một là, những hồ sơ và chương trình nghị sự toàn cầu lớn thể hiện sự đồng thuận thực chất và tiếng nói chung giữa các nước lớn không nhiều. Thậm chí sự phân cực, đối đầu gián tiếp và trực tiếp giữa Nga với Mỹ, và giữa Trung Quốc với Mỹngày một rõ nét và có một số nét trùng lặp với thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Hai là, trên phạm vi khu vực và toàn cầu, rất nhiều quốc gia từ nhỏ đến lớn khôngcòn tuân thủ các chuẩn mực đạo lý, các cách hành xử thông thường, không sợ các răn đe hay trừng phạt và sẵn sàng “phá luật” miễn sao lợi ích quốc gia của mình được đảm bảo, bất chấp lợi ích của các quốc gia khác. Còn trong phạm vi quốc gia, sự bùng nổ của internet và quá trình toàn cầu hóa thông tin làm cho quyền lực truyền thống của các nhà nước-quốc gia bị thách thức nghiêm trọng và đặt nhiều chính quyền vào tình trạng bị động, lúng túng đối phó.
Ba là, nhiều nước lớn đáng ra phải là những nước có trách nhiệm lớn nhất đối với các vấn đề hòa bình và an ninh toàn cầu lại là những nước thể hiện sự thiếu tin tưởng nhất các vào thiết chế và trật tự hiện hành. Chẳng hạn như có nước lớn đã tham gia ký công ước Quốc tế về Luật biển nhưng lại không công nhận thẩm quyền và phán quyết của Tòa án Luật biển quốc tế (ITLO) trong vụ kiện của Philippines. Điều này trong chừng mực nhất định đang đẩy thế giới đi theo xu hướng vô luật pháp và bạo lực.
Bốn là, sự bất lực, không đủ khả năng, ý chí và quyết tâm của các quốc gia, các thiết chế mang tính khu vực và toàn cầu trong việc đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc châu Âu đối phó với dòng người nhập cư và các vụ tấn công khủng bố trong năm 2015 hay sự lúng túng của thế giới trong việc đối phó với căn bệnh Ebola giết chết hàng ngàn người ở Trung và Tây Phi.
Năm là, sự ảm đạm của bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới, sự mất giá không phanh của giá dầu và “cú ra đòn” tăng lãi suất cơ bản đầu tiên của Cục dự trữ liên bang Mỹ sau gần một thập kỷ… đã và đang là những nhân tố khó lường đối với tình hình phát triển kinh tế, xã ở nhiều khu vực trong năm 2015 và những năm sắp tới.
Thế giới năm 2015 đang dần khép lại với nhiều kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Nhưng phải nhìn thẳng vào bức tranh đó ta mới thấy rõ hơn các nỗ lực và thành công của Việt Nam trong việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua là 6,5%, cũng như nỗ lực riêng của ngành đối ngoại trong việc dự báo đúng tính hình và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế.
Hẳn mọi người còn nhớ, trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai được duy trì lâu dài và tôn trọng phần lớn là nhờ các thỏa ước Yalta và Postdam năm 1945 về việc phân chia thế giới và đặt ra các “luật chơi” thời kỳ hậu chiến. Trái lại, Chiến tranh lạnh thì lại kết thúc một cách “không kèn, không trống” và cũng chẳng có quy tắc hay luật chơi mới nào quản lý có hiệu quả các quan hệ đan xen và phức tạp trong một trật tự mới thời “hậu Chiến tranh lạnh” đang định hình. Tình trạng hiện nay cũng có một số nét tương đồng như “Trật tự” thế giới sau Chiến tranh thế giới I, trong đó các quy tắc, luật chơi liên tục bị phá vỡ, còn các thiết chế thì quá yếu hoặc bất lực. Và hậu quả là cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai không thể tránh khỏi. Xét trong bối cảnh đó, những bất ổn và bạo lực mà chúng ta chứng kiến thời gian qua mới chỉ những sự kiện có tính chất “khởi động” báo hiệu những biến đổi sâu, rộng chưa từng có sẽ diễn ra trong nay mai.” |
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao.