- Góc nhìn thẳng tìm câu trả lời từ EVN Hà Nội trước tình trạng trời mưa mát nhưng tiền điện  vẫn tăng vọt thời gian qua.

Nhà báo Phạm Huyền: Kính thưa quý vị và các bạn. Thời gian qua, vấn đề người dân bức xúc không nhỏ là việc trời mưa mát nhưng tiền điện hàng tháng vẫn tăng cao, gấp rưỡi hoặc gấp đôi những tháng cao điểm nắng nóng. Góc nhìn thẳng mời ông  Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội  trao đổi, để làm rõ vấn đề này.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Thắng đã tham dự chương trình. 


Nhà báo Phạm Huyền: Rất nhiều ý kiến phản ánh thời gian mới đây, thời tiết mưa mát nhưng tiền điện tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi những tháng cao điểm nắng nóng. EVN Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc nói trên như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Thắng: Theo thống kê nhiệt độ thời tiết của giai đoạn cuối tháng 6, các tháng 7, 8, 9 chúng tôi thấy như sau: cuối tháng 6 đến giữa tháng 7/2015 nhiệt độ bình quân vào quãng 31 đến 40 độ C; nửa cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 thì chỉ số này là 27 đến 34 độ C: cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 là 30 đến 37 độ C...Nhìn vào kết quả này thì thấy nền nhiệt độ của nửa cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 cao hơn cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 và xấp xỉ mức giữa tháng 6 đến nửa đầu tháng 7. 

Còn qua hệ thống theo dõi sản lượng điện sử dụng của khách hàng 30 phút một lần, 48 lần trong ngày thì chúng tôi thấy kỳ hóa đơn tháng 7 rơi vào 54 triệu KW một ngày;  kỳ hóa đơn tháng 8 là 44,8 triệu KW một ngày và kỳ hóa đớn tháng 9 là 51,4 triệu KW một ngày. Từ kết quả thống kê trên, chúng ta thấy, cứ nền nhiệt độ tăng cao thì lượng điện tiêu thụ tăng cao, hai số liệu này tỷ lệ thuận.

Chưa tính đến việc, cũng theo thống kê, lượng hàng bán ra của các siêu thị điện máy cũng tăng khá lớn, từ đầu năm đến nay tăng trên 10%. Đây cũng là yếu tố có tác động không nhỏ đến việc tăng lượng điện sử dụng của khách hàng.

Nhà báo Phạm Huyền: Sau khi có nhiều ý kiến của người dân về việc ghi sai chỉ số, dẫn đến việc tiêng điện tăng cao, EVN Hà Nội đã cho kiểm tra, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chỉ là nhắc nhở nhân viên ghi chỉ số thực hiện sai. Người tiêu dùng cho rằng như vậy là chưa thỏa đáng, từ góc độ bên cung cấp điện ông nhìn thận việc này ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Thắng: Việc ghi chỉ số sử dụng của khách hàng chúng tôi có quy trình hết sức chặt chẽ. Đối với công nhân ghi chỉ số, từ đầu năm nay chúng tôi đã chốt cứng lịch ghi chỉ số và không thay đổi trong cả năm cho khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Và chúng tôi thực hiện ghi chỉ số hoàn toàn bằng các thiết bị điện tử, được giám sát lộ trình ghi chỉ số của công nhân.

Để hạn chế các sai sót, tất cả các thiết bị điện tử này chúng tôi đều cài đặt phần mềm ghi chỉ số vả cảnh báo với khách hàng. Năm 2015 này, chúng tôi đưa ra phầm mềm tích hợp chụp lại ảnh khi ghi chỉ số tại thời điểm ghi với tất cả khách hàng sử dụng điện. Do đó, 100% khách hàng đều được lưu lại ảnh để làm công tác dịch vụ khách hàng cũng như  thực hiện công tác giám sát của ngành điện. 

{keywords}

Chúng tôi cũng đã đưa ra rất nhiều dịch vụ minh bạch để khách hàng cùng giám sát với ngành điện như dịch vụ nhắn tin trước 48 giờ về lịch ghi chỉ số để khách hàng cùng giám sát. Thứ đến, chúng tôi đăng trên website lịch ghi chỉ số của từng khách hàng có thể tra cứu. Thứ ba, sau khi ghi chỉ số, trong vòng 24 giờ, chúng tôi nhắn tin đến khách hàng các dữ liệu chỉ số công tơ, lượng điện trong kỳ, số tiền phải thanh toán trong kỳ. Đồng thời, chúng tôi đẩy các dữ liệu này lên webtite để khách hàng có thể tra cứu lịch sử sử dụng điện.  Như thế, khách hàng và ngành điện hoàn toàn có thể giám sát được việc ghi chỉ số.

Thế còn đối với những kiến nghị của khách hàng, thì chúng tôi đã quy định, trong 24 giờ, tất cả các kiến nghị chúng tôi nhận được từ tổng đài chăm sóc khách hàng, phòng giao dịch của các đơn vị trực thuộc là phải liên hệ với khách hàng để giải quyết. 

Nhà báo Phạm Huyền: Không ít người phản ánh rằng, tự khi họ được thay công tơ điện tử, trong khi số thiết bị điện sử dụng vẫn giữ nguyên nhưng tiền điện hàng tháng cũng vọt lên gấp rưỡi, gấp đôi. Họ phản ánh rằng công tơ điện tử chưa chính xác, EVN Hà Nội có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Thắng: EVN Hà Nội đã lắp công tơ điện tử cho nhiều khách hàng ở tất cả các quận trên địa bàn. Những năm qua, hàng trăm nghìn công tơ điện tử đã được lắp đặt. Công tơ điện tử được ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, vì thế tính chính xác của nó cao hơn công tơ cơ khí rất nhiều. Công tơ khi được đưa vào vận hành hay được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đều phải qua phê duyệt mẫu của Tổng cục Đo lường với nhiều tiêu chuẩn gắt gao và trước khi đưa lên lưới điện, 100% công tơ đều phải đạt các tiêu chuẩn đo lường.

Chúng tôi cũng lưu ý khách hàng, cấp chính xác của công tơ điện tử một pha là cấp 1 thì công tơ cơ khí là mức chính xác 2. Do đó, các thiết bị điện khách hàng sử dụng tưởng như không ảnh hưởng đến sản lượng thì công tơ điện tử đã đo đếm được lượng điện tiêu thụ rồi.  Ví dụ như lượng điện tiêu thụ khi ngừng, nghỉ của máy tính, ti vi, các thiết bị xạc điện thoại...trước đây công tơ cơ khí không đo được vì chưa đủ dòng khởi động thì công tơ điện tử đã đo được. Vì thế, chúng tôi khuyến nghị khách hàng là khi không sử dụng thiết bị thì nên rút phích cắm, ngắt aptomat để không bị lãng phí không cần thiết.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Thắng. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại ở Góc nhìn thẳng số tiếp theo. 

  • VietNamNet